Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 29/07/2020 16:00150
Tiếp xúc cử tri (TXCT) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đại biểu HĐND được quy định tại điều 94, 95 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hoạt động này thể hiện vai trò, hiệu quả hoạt động thực sự của đại biểu HĐND. TXCT cũng chính là diễn đàn dân chủ, công khai, đối thoại trực tiếp, tạo điều kiện để cử tri thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng đối với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thông qua người đại diện của mình. Để hoạt động TXCT thực sự là một cầu nối, là diễn đàn để cử tri phát huy tốt nhất quyền làm chủ của mình thông qua người đại biểu nhân dân, đến với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương… đó luôn là câu hỏi được đặt ra, là tâm tư của cán bộ dân cử.
Long Thành Nam là xã nông thôn mới (được tỉnh công nhận năm 2017) thuộc thị xã Hòa Thành, diện tích tự nhiên 10,91km2, dân số 15.541 nhân khẩu phân bổ ở 5 ấp. Đặc trưng của xã có cụm công nghiệp Bến Kéo với khoảng 3000 công nhân, có sông Vàm Cỏ Đông thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có hệ thống cảng đường sông và nhiều công ty, xí nghiệp, lò gạch… Hội đồng nhân dân xã từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 31 đại biểu, 02 Ban Pháp chế và Kinh tế-xã hội có 14 thành viên. Qua gần 04 năm hoạt động đã có nhiều thay đổi về nhân sự, số lượng đại biểu, nhưng nhìn chung vai trò, vị trí, chức năng của HĐND từng bước được nâng lên, thể hiện rõ là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Trong các hoạt động của HĐND, ngoài hoạt động kỳ họp, hoạt động TXCT luôn được Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND xã quan tâm, thường xuyên đổi mới để nâng cao chất lượng các cuộc TXCT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội xã nhà.
Theo số liệu thông kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND xã đã thực hiện 92 cuộc TXCT tại 5 ấp với gần 4000 lượt cử tri tham dự, trong đó TXCT đại biểu HĐND xã định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp là 86 cuộc, chiếm 93,47%, tiếp xúc chuyên đề là 06 cuộc, chiếm 6,53%. Để chuẩn bị cho hoạt động TXCT đại biểu HĐND xã, Thường trực HĐND xã đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQVN xã, UBND xã, bí thư chi bộ, trưởng các ấp trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch TXCT. Kế hoạch TXCT được thông báo đến tận các tổ tự quản, qua đài truyền thanh của xã, trạm truyền thanh các ấp để cử tri biết và tham gia. Do địa điểm tiếp xúc thường xuyên thay đổi gắn với sự kiện vừa xảy ra, "điểm nóng" (thường là mượn nhà dân) nên trong kế hoạch TXCT cần chú trọng đến việc lựa chọn thời gian, địa điểm tiếp xúc phù hợp để có được nhiều cử tri tham dự nhất; ấp có nhiều cử tri thì tổ chức nhiều điểm tiếp xúc; trang trí, khẩu hiệu, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế ngồi, cách tiếp đón thật trang trọng, gần gũi.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, UBND xã phát hành thư mời cử tri tham dự; chuẩn bị tài liệu cung cấp cho đại biểu HĐND xã để nghiên cứu trước như báo cáo về tình hình phát triển KTXH của địa phương; báo cáo giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc trước; nội dung chương trình hoặc kết quả kỳ họp HĐND xã; rà soát ý kiến kiến nghị của cử tri; tài liệu các cuộc TXCT trước để trả lời những nội dung nào đã được giải quyết xong, những nội dung nào còn vướng mắc, nguyên nhân chưa giải quyết; đôn đốc đại biểu HĐND sắp xếp thời gian tham gia TXCT. Ngoài ra, tùy đặc điểm tình hình, những vấn đề đang nổi lên tại địa bàn xã, ấp, Thường trực HĐND phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, UBND xã dự kiến trước những vấn đề mà cử tri có thể kiến nghị để phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức chuyên môn có liên quan cùng tham dự tại địa điểm đó nhằm nắm bắt, trả lời, làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị tại hội nghị.
Bên lề hội nghị (trước khi tiếp xúc) các vị đại biểu HĐND, cán bộ, công chức xã, ấp cần đến sớm, dành thời gian trao đổi, hỏi thăm với cử tri về các mặt của đời sống xã hội mà nhất là các vấn đề trên địa bàn xã, ấp nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, những biểu hiện bức xúc của cử tri mang đến hội nghị (nếu có) để chủ động xử lý trong quá trình TXCT.
Để dành nhiều thời gian cho cử tri tham gia ý kiến, các báo cáo tại hội nghị TXCT cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm. Chủ trì hội nghị TXCT (đại diện lãnh đạo UBMTTQVN xã hoặc Ban Công tác mặt trận ấp) thực hiện tốt việc điều hành theo quy chế; xử lý linh hoạt nếu có tình huống xảy (trao đổi với đại biểu HĐND, lãnh đạo xã khi cần thiết). Các ý kiến kiến nghị của cử tri được đại diện lãnh đạo UBND xã, công chức chuyên môn tiếp thu, giải đáp ngay tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền từ đó tạo tâm lý thoải mái trong cử tri. Đại biểu HĐND xã tiếp thu, ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri chưa được giải đáp tại hội nghị, tổng hợp để chuyển đến cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết, trả lời cho cử tri rõ. Tại mỗi điểm TXCT, Thường trực HĐND xã phân công trong thường trực tham dự tại các điểm tiếp xúc, qua đó nắm, theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri đảm bảo chính xác, khách quan.
Sau hội nghị TXCT, các đại biểu hội ý thống nhất tổng hợp các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền, giao trách nhiệm cho một đại biểu thay mặt các đại biểu trong đợt tiếp xúc lập biên bản, báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri chuyển đến Thường trực HĐND xã. Thường trực HĐND phối hợp với UBMTTQ Việt Nam xã thống nhất phân loại, tổng hợp ý kiến và chuyển ý kiến của cử tri đến UBND xã hoặc các cơ quan cấp trên theo thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Với sự chuẩn bị chu đáo và cách làm của xã Long Thành Nam trong việc tổ chức hội nghị TXCT thời gian qua đã giải quyết được nhiều ý kiến, bức xúc của cử tri, người dân, kéo giảm đáng kể việc khiếu nại, tố cáo. Thông qua hội nghị TXCT tuyên truyền cho cử tri, nhân dân nắm, hiểu, chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của nhà nước, góp phần không nhỏ trong giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Với góc nhìn của Thường trực HĐND thị xã Hòa Thành trong tổ chức hội nghị TXCT của xã Long Thành Nam thời gian qua, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn thị xã như sau:
Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác TXCT, trong đó đại biểu HĐND cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hoạt động TXCT; xác định TXCT vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của đại biểu HĐND và của cử tri. Phát huy vai trò trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, công chức nhất là người lãnh đạo, đứng đầu địa phương trong TXCT, tiếp nhận, giải quyết, xử lý thỏa đáng ý kiến kiến nghị của cử tri, chuyển ý kiến đúng thẩm quyền.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng TXCT của đại biểu HĐND, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chủ động, linh hoạt, có tinh thần cầu thị… để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, trong đó có nhiệm vụ TXCT.
Kế hoạch TXCT phải cụ thể, chặt chẽ, phù hợp, triển khai thống nhất. Chú trọng về thời gian tổ chức, chọn điểm tiếp xúc, thành phần cử tri và cán bộ lãnh đạo, chủ chốt được phân công tham dự. Cần có nhiều điểm tiếp xúc đối với các nơi trong cùng địa bàn mà có đông cử tri, nhiều thành phần lao động khác nhau.
Có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ từ khâu chuẩn bị về hình thức, nội dung cho đến lúc bế mạc hội nghị, tạo sự trang trọng, gần gủi, cởi mở, thời lượng phù hợp, nội dung ngắn gọn, xúc tích, tất cả cùng hướng về mục đích chung.
Chủ trì hội nghị điều khiển linh hoạt, phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu. Đối với đại biểu không chỉ ghi nhận và chuyển ý kiến tới cơ quan chức năng mà phải đeo bám, giám sát, đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau, vấn đề nào đòi hỏi phải có thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, nói quanh co để né tránh. Trong phát biểu, đại biểu HĐND cần phải lồng ghép để tuyên truyền, định hướng cho cử tri hiểu đúng, đủ các sự việc đặt ra, tạo an tâm, tin tưởng của cử tri và người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Cần chọn những người am hiểu về địa phương, có khả năng hiểu và tổng hợp đúng, đủ ý kiến của cử tri để làm thư ký, ghi biên bản hội nghị. Sau hội nghị cần hội ý đại biểu để thống nhất nội dung, báo cáo với Thường trực HĐND./.
Công Luận - HĐND thị xã Hòa Thành