Tỉnh Tây Ninh: Thông qua nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022

Thứ hai - 13/12/2021 16:00 388 0

Tỉnh Tây Ninh: Thông qua nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022

Định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 là căn cứ quan trọng, chủ yếu để xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm, là cơ sở để quyết định số bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện, xã, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025.
Tại kỳ họp thứ 2 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quang cảnh kỳ họp Theo Nghị quyết này, việc xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên NSĐP phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2022 - 2025 theo các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và của tỉnh; ưu tiên phân bổ đối với khối Đảng, cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và một số cơ quan quản lý hành chính nhà nước có hoạt động đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính giai đoạn 2022-2025; Thúc đẩy cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng Sở, ban, ngành và địa phương. Việc phân bổ dự toán chi thường xuyên NSĐP cần đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước. Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch. Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngoài dự toán chi thường xuyên được phân bổ theo số biên chế, còn được phân bổ bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được Nhà nước ban hành ban hành đến 31/8/2021. Theo đó, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh được áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái. Cụ thể, số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là từ 01 đến 10 biên chế. Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể như sau: + Từ 01 đến 10 biên chế: Định mức phân bổ 36 triệu đồng/biên chế/năm. + Từ 11 đến 20 biên chế: Định mức phân bổ 33 triệu đồng/biên chế/năm. + Từ Từ 21 đến 30 biên chế: Định mức phân bổ 30 triệu đồng/biên chế/năm. + Từ 31 đến 45 biên chế: Định mức phân bổ 26 triệu đồng/biên chế/năm. + Từ 46 biên chế trở lên: Định mức phân bổ 25 triệu đồng/biên chế/năm. Ngoài ra, còn phân bổ định mức kinh phí đặc thù cho cơ quan có phát sinh nhiệm vụ đặc thù: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Ban quản lý các khu kinh tế; phân bổ kinh phí chi hỗ trợ cho hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; phân bổ định mức kinh phí để mua sắm trang thiết bị và sửa chữa xe ô tô được tính theo số biên chế và theo tiêu chuẩn xe. Đối với cấp huyện, định mức phân bổ cho cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội là 32 triệu đồng/biên chế/năm. Ngoài ra, còn phân bổ định mức kinh phí hỗ trợ cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; phân bổ phân bổ thêm kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định và nghiệp vụ đặc thù; phân bổ thêm kinh phí đối với huyện biên giới. Đối với khối Đảng: Định mức phân bổ các cơ quan Ðảng cấp tỉnh bằng 1,4 lần mức chi HĐTX của cơ quan quản lý nhà nuớc, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội câp tỉnh; định mức phân bổ các cơ quan Ðảng cấp huyện là 38 triệu đồng/biên chế/năm. Ngoài ra, còn được phân bổ thêm mua sắm, sửa chữa lớn; chi hoạt động của cấp ủy, nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao, nhiệm vụ đặc thù của cơ quan đảng. Đối với cấp xã, định mức phân bổ cho cơ quan quản lý hành chính là 770 triệu đồng/xã/năm. Ngoài ra, còn được phân bổ thêm chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phân bổ thêm kinh phí đối với xã biên giới. Nghị quyết nêu rõ, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ thêm một số nguyên tắc, tiêu chí. Trong đó, định mức chi sự nghiệp giáo dục đào tạo phân bổ đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập không thấp hơn 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục; các lĩnh vực sự nghiệp khác xác định trên tiêu chí dân số và các tiêu chí bổ sung tùy theo tính chất đặc thù của từng huyện. Trường hợp dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản vốn trong nước (không bao gồm chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất) và dự toán chi thường xuyên NSĐP tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức năm 2022 thấp hơn dự toán năm 2021 đã được HĐND tỉnh quyết định, UBND tỉnh giao trong phạm vi nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 6, điều 4 và các tiêu chí phân bổ tại Chương II của Nghị quyết sẽ được hỗ trợ để không thấp hơn. Đối với số hỗ trợ cân đối chi NSĐP, HĐND cấp huyện được chủ động bố trí cơ cấu chi NSĐP năm 2022 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển. Nghị quyết cũng nêu rõ, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2022 được bàn hành kèm theo Nghị quyết này làm cơ sở xác định tổng chi thường xuyên ngân sách các cấp năm 2022 - năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025. UBND các cấp căn cứ mức phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2022 do HĐND tỉnh quyết định, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương để trình HĐND cùng cấp thực hiện phân bổ cho phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trực thuộc nhưng đảm bảo không thấp hơn tổng chi thường xuyên của từng cấp theo từng lĩnh vực được phân bổ theo định mức tại quy định này. Các năm trong giai đoạn sau năm 2022, UBND các cấp căn cứ mức phân bổ dự toán chi ngân sách do HĐND tỉnh quyết định, khả năng ngân sách, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương để trình HĐND cùng cấp thực hiện phân bổ dự toán ngân sách hằng năm cho phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trực thuộc; đối với các lĩnh vực được phân bổ theo chỉ tiêu pháp lệnh, phân bổ đảm bảo không thấp hơn mức được giao. Đối với định mức phân bổ chi lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ, sự nghiệp môi trường, phân bổ kinh phí đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao. Về định mức phân bổ chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tùy theo quy mô tính chất về tự chủ và nguồn thu của đơn vị, khi giao dự toán có tính toán giảm trừ nguồn NSNN đối với loại hình đơn vị sự nghiệp công có thu.                                                                                        Huỳnh Thảo

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay2,077
  • Tháng hiện tại46,624
  • Tổng lượt truy cập1,928,155
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây