Ngày 26/9/2014, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Châu Thành đã thực hiện giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Lê Bá Quế - Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện - trưởng đoàn giám sát, ngoài ra còn có ông Võ Văn Vu - Ủy viên Thường trực HĐND huyện, ông Võ Văn Tươi - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, các Đại biểu thành viên Ban Kinh tế - Xã hội; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn UBND các xã; Phóng viên Đài Truyền thanh huyện, lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện.
Quang cảnh buổi làm việc của Ban KT-XH với các xã
Theo báo cáo của UBND huyện, qua 4 năm triển khai Đề án tại huyện, tổng kinh phí thực hiện đề án gần 4 tỷ 428 triệu đồng, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề 153 lớp, 4796 học viên. Sau học nghề đã có trên 75% học viên có việc làm ổn định từ chính ngành nghề được học. Kết quả thực hiện đề án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đề án cũng có những khó khăn hạn chế như: Một số thành viên ban chỉ đạo các cấp chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm được phân công, nhận thức của cán bộ và chính người lao động ở một số địa phương về công tác dạy nghề còn chưa đầy đủ, kinh phí hỗ trợ cho học nghề thấp, việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho công tác dạy nghề còn hạn chế, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu về chuyên môn, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề chưa đồng bộ, số được trang bị chưa phát huy được hiệu quả, cơ cấu tuyển sinh ở các cấp học chủ yếu là sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng vv…
Sau khi các đại biểu dự hội nghị cùng thảo luận làm rõ thêm các nội dung trong báo cáo và ý kiến đề xuất của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Kết luận Hội nghị Ông Lê Bá Quế, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những cố gắng của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện) trong việc tham mưu cho UBND huyện triển khai có hiệu quả Đề án. Ban Kinh tế - Xã hội đề nghị trong thời gian tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sớm thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại đã nêu đồng thời tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như: Chỉ đạo thống kê lại lượng lao động có việc làm sau đào tạo nghề. Đến thời điểm hiện tại, con số trên 75% học viên sau đào tạo có việc làm đúng ngành nghề đã học là chưa chuẩn xác; Tham mưu cho UBND huyện ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động; Quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị dạy nghề phục vụ cho công tác đạy nghề; nội dung, chất lượng dạy nghề; Làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động theo từng nhóm ngành, nhóm nghề của doanh nghiệp trong và ngoài huyện, mở các ngành nghề mới cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề theo đơn dặt hàng của doanh nghiệp; Các thành viên Ban chỉ đạo huyện cần tăng cường sự phối hợp công tác để hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở dạy nghề, đảm bảo cho đề án được thực hiện có hiệu quả hơn trong những năm tới; Có chính sách hỗ trợ, vay vốn cho các đối tượng sau đào tạo để họ có điều kiện phát huy ngành nghề đã học./.
Ban Kinh tế - Xã hội HĐND
huyện Châu Thành
Ý kiến bạn đọc