Theo khoản 3, Điều 32 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Hội đồng nhân dân xã thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội… Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã hoạt động kiêm nhiệm”. Đây được xem là một trong những điểm mới nổi bật trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định mới. Quy định này nhằm củng cố bộ máy của Hội đồng nhân dân, tăng thêm vai trò, tạo tiền đề cho chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân được tăng cường, từ đó phát huy hơn nữa vai trò người đại biểu dân cử.
Tuy nhiên, đó là về mặt pháp lý, còn trong quá trình tổ chức thực hiện bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, bất cập làm cho các Ban thực sự rất khó bắt nhịp với hoạt động chung của Hội đồng nhân dân.
Quang cảnh kỳ họp thứ nhất HĐND xã Thái Bình
Trình độ chuyên môn chưa đảm bảo
Theo quy định tại Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chỉ quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND chuyên trách, riêng đối với cấp xã chỉ quy định đến cán bộ ứng cử là Phó Chủ tịch HĐND; ngoài ra không có văn bản nào quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các Ban HĐND xã. Vì lẽ đó, trong quá trình cơ cấu nhân sự vào các Ban của HĐND cấp xã, ngoài những quy định chung về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND (tại Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2017) thì trong quá trình thực hiện các địa phương chủ yếu cơ cấu nhân sự trên cơ sở vận dụng các văn bản hiện hành liên quan đến chức danh, nghề nghiệp, ví dụ như: Ban pháp chế thì chuyên môn Luật, Hành chính; Ban kinh tế - xã hội thì chuyên môn Tài chính, Kế toán... Trường hợp, trong số đại biểu trúng cử không có người phù hợp chuyên môn thì bằng cách này hoặc cách khác phải bố trí đủ số lượng lãnh đạo Ban theo quy định, vấn đề chuyên môn không được đặt ra ở đây.
Trên thực tế, bên cạnh những địa phương chọn được người có trình độ chuyên môn cũng như năng lực, kinh nghiệm công tác phù hợp để đưa vào các Ban HĐND thì vẫn còn những địa phương “đành chấp nhận” đưa người không có trình độ chuyên môn hoặc chuyên môn không phù hợp vào làm Lãnh đạo Ban. Đó là chưa kể đến một số người khi được đưa vào làm Lãnh đạo ban có ý không muốn, bởi lẽ Lãnh đạo Ban và tất cả các thành viên của các Ban HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm, ngoài phụ cấp đại biểu HĐND thì không có bất kỳ một chế độ nào khác cho công việc kiêm nhiệm đang đảm nhận. Ở một số địa phương lãnh đạo Ban pháp chế không có trình độ chuyên môn, hoặc chuyên môn hoàn toàn không phù hợp như: Đại học chuyên ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, Phó Trưởng ban hiện đang công tác ở ấp, không có trình độ chuyên môn. Ban Kinh tế - Xã hội cũng không lấy làm khởi sắc hơn khi một số nơi Trưởng ban thì trình độ chuyên môn không có hoặc chuyên môn không phù hợp.
Chưa rõ ràng giữa chủ thể giám sát và đơn vị giám sát
Bên cạnh việc lãnh đạo các Ban chưa đảm bảo trình độ chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ, thì việc thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể hoạt động của Ban HĐND xã cũng là một khó khăn không nhỏ làm cản trở quá trình hoạt động và phát huy hiệu quả của Ban.
Theo quy định các Ban HĐND phải tổ chức giám sát những vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, song ở cấp xã đối tượng chịu sự giám sát nhìn một cách tổng thể chỉ có Ủy ban nhân dân. Như vậy, chỉ có một đối tượng chịu sự giám sát là Ủy ban nhân dân nhưng chủ thể giám sát thì có Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp xã cùng những Đoàn giám sát của cấp trên, liệu các chủ thể giám sát có gặp khó khăn gì trong quá trình tổ chức giám sát hay không và đối tượng chịu sự giám sát ngoài những công việc chuyên môn phải thực hiện hằng ngày có đảm bảo được những nội dung Đoàn giám sát yêu cầu khi việc giám sát diễn ra thường xuyên như vậy?
Một vấn đề nữa gặp phải ở đây là khi các Ban HĐND cấp xã tiến hành giám sát Ủy ban nhân dân thì đây có thể xem là một hoạt động không lấy làm khách quan cho lắm. Bởi lẽ, người báo cáo và người giám sát đa phần đều là một. Chẳng hạn như: Ban pháp chế giám sát Ủy ban nhân dân xã trong công tác thi hành pháp luật thì người tham mưu Ủy ban nhân dân xây dựng báo cáo phục vụ Đoàn giám sát không ai khác chính là công chức Tư pháp - Hộ tịch cùng với đó công chức này ở rất nhiều địa phương là Phó thậm chí là Trưởng Ban pháp chế HĐND xã; cũng tương tự với Ban kinh tế - xã hội khi công chức Tài chính-Kế toán đồng thời là lãnh đạo Ban kinh tế - xã hội.
Sau gần một năm đi vào hoạt động trải qua hai kỳ họp, các Ban HĐND xã được thành lập cơ bản đầy đủ và đúng quy định pháp luật. Song nhiều nơi hoạt động rất rời rạc, không biết bắt đầu từ đâu. Vì đa phần các thành viên của Ban đều mới, chưa trải qua công tác giám sát, khảo sát, thẩm tra nên khi thực hiện nhiệm vụ rất băn khoăn, lúng túng. Có những đơn vị để đảm bảo hoạt động chung thì Thường trực HĐND làm luôn công việc của Ban, từ xây dựng chương trình kế hoạch, soạn thảo và ban hành các quyết định thành lập Đoàn giám sát…
Qua tìm hiểu thực tế ở một số xã, có ý kiến cho rằng “việc thành lập các Ban HĐND ở cấp xã là không cần thiết, không khả thi bởi lẽ công việc ở cấp xã, phường rất nhiều anh em đa phần kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, lương thấp, chế độ kiêm nhiệm thì không có, trình độ năng lực có hạn giờ lại kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của Ban thật sự là rất khó khăn”.
Cần chấn chỉnh hoạt động
Trước những khó khăn đang gặp phải, để có kết quả tốt hơn trong thời gian tới và không phụ lòng tin của cử tri, chúng ta cần bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh lại tổ chức. Các thành viên của Ban trước hết cần chủ động, tích cực trong việc sắp xếp công việc chuyên môn, dành một quỹ thời gian nhất định cho hoạt động của Ban.
Ban phải xây dựng quy chế hoạt động, phân công, phân nhiệm cho từng thành viên, xây dựng chương trình giám sát của năm để mỗi thành viên của Ban chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát đầy đủ.
Công tác giám sát cần chú trọng về mặt nội dung, không giám sát những nội dung quá lớn, vượt tầm của Ban. Nên tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri quan tâm, tránh dàn trải, chồng chéo với các cơ quan khác. Những nội dung chưa nắm hoặc chưa chắc chắn có thể tham khảo ý kiến của cấp trên, về nghiệp vụ cần mạnh dạn tìm tòi, thỉnh thị ý kiến của những người có kinh nghiệm hoặc bộ phận tham mưu của HĐND cấp huyện.
Với những khó khăn đang gặp phải, mong rằng chúng ta sẽ thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân để có hướng khắc phục. Vẫn biết là khó, song là những đại biểu dân cử, mang trong mình trách nhiệm mà cử tri đã tin tưởng giao phó, cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững và giàu mạnh.
TN
Ban Pháp chế HĐND huyện Châu Thành