Chưa có cơ chế rõ ràng
Ai giám sát hoạt động của đại biểu? Câu trả lời là cử tri. Quy định pháp lý cho vấn đề này cũng khá rõ ràng và cụ thể. Trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định khá rõ ràng đại biểu “chịu sự giám sát của cử tri”, “có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của mình”; “ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri...”… Nhưng thực hiện bằng cách nào, cơ chế nào kiểm soát, thì chưa có quy định cụ thể, mỗi nơi thực hiện một khác.
Ở đây cần được hiểu cử tri giám sát đại biểu là giám sát về việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm, về hiệu quả hoạt động của đại biểu. Vì thế, cử tri chỉ có thể giám sát qua báo cáo kết quả hoạt động của đại biểu trước cử tri, hoặc báo cáo với cơ quan, tổ chức đại diện cho cử tri, cho nhân dân để thay mặt cử tri, nhân dân giám sát.
Trên thực tế, chưa mấy đại biểu, hoặc nếu có cũng rất ít đại biểu thực hiện báo cáo về hoạt động của mình tại các hội nghị TXCT. Thứ nhất, các cuộc TXCT của đại biểu tại một địa điểm thường chỉ diễn ra trong nửa ngày, trong quỹ thời gian hạn hẹp khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ, nào là: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; báo cáo tình hình KT - XH, nội dung, chương trình kỳ họp; hoặc báo cáo kết quả kỳ họp, thông báo, giải thích nghị quyết kỳ họp đã ban hành; dành thời gian thỏa đáng để cử tri phản ánh, kiến nghị. Vậy còn thời gian đâu để đại biểu báo cáo kết quả hoạt động của họ, mà thường có 3 - 5 đại biểu trong một tổ cùng tiếp xúc ở một điểm.
Thứ hai, cử tri giám sát đại biểu cũng là khái niệm chung chung, cử tri thường có tâm lý bầu cử xong là xong, còn đại biểu hoạt động thế nào thì cử tri cũng không mấy quan tâm. Có chăng, cử tri quan tâm trực tiếp đến đại biểu cấp xã, nơi họ sinh sống gắn liền với đại biểu. Đại biểu hoạt động thế nào, có báo cáo hay không trước cử tri thì lâu nay cũng chẳng thấy ai nói gì. Cử tri không đòi hỏi, không thấy cơ quan, tổ chức nào nhắc nhở, và thế là họ cũng “quên luôn tránh nhiệm báo cáo của mình”.
![]() | |
Đại biểu báo cáo hoạt động trước cử tri | Ảnh: Nguyễn Hiền |
Thứ ba, không có ai, cơ quan nào theo dõi và thường xuyên đánh giá hoạt động của đại biểu, có chăng đến cuối nhiệm kỳ khi có việc bình xét khen thưởng mới có sự đánh giá nhưng hết sức hình thức, mà đến lúc đó kết quả đánh giá cũng chẳng có mấy ý nghĩa.
Cần cách thức cụ thể
Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử nói chung, cần phải có thêm các quy định cụ thể và cơ chế mang tính bắt buộc thì việc giám sát hoạt động của đại biểu dân cử mới có thể thực hiện được.
Một là, yêu cầu mỗi năm một lần (vào cuối năm), đại biểu phải có báo cáo về hoạt động của mình trước cử tri vào đợt TXCT sau kỳ họp cuối năm. Vào đợt tiếp xúc đó, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND xây dựng lịch và phân bổ mỗi điểm tiếp xúc từ 1 - 2 đại biểu, để các đại biểu có thời gian báo cáo trước cử tri về hoạt động của mình.
Hai là, nên có quy định, cùng với việc báo cáo trước cử tri, đại biểu gửi báo cáo bằng văn bản về Đoàn ĐBQH (đối với ĐBQH), về Thường trực HĐND cấp đại biểu ứng cử (đối với đại biểu HĐND) để các cơ quan này theo dõi, tổng hợp, đánh giá.
Ba là, theo Khoản 2, Điều 26, Luật MTTQ Việt Nam và Điều 5 Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đại biểu dân cử là đối tượng giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Vì vậy, đồng thời với việc báo cáo với cử tri và gửi báo cáo về Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, đại biểu phải gửi báo cáo hoạt động của mình về Ủy ban MTTQ cấp đại biểu ứng cử để Ủy ban MTTQ cùng cấp theo dõi, giám sát. Hàng năm, trong báo cáo tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQVN, cần có nội dung tổng hợp, đánh giá hoạt động của đại biểu dân cử ở cấp mình
Thực tế, chỉ cần thực hiện nghiêm việc công khai hoạt động trước cử tri thì cũng đã là những tác động hết sức tích cực đối với hoạt động của đại biểu, chẳng nhẽ đại biểu lại không có gì để báo cáo hoặc báo cáo chung chung. Tuy nhiên, để quy định cụ thể các cách thức giám sát hoạt động đại biểu, cần bổ sung quy định này vào quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH, Quy chế hoạt động của HĐND ở mỗi cấp; đưa vào quy chế phối hợp giữa HĐND với Ủy ban MTTQVN ở mỗi cấp. Có như vậy, các quy định của Hiến pháp, của luật mới trở thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc