Chính quyền địa phương phải là một cấp hoàn chỉnh gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Thứ ba - 28/10/2014 21:50 28 0

Chính quyền địa phương phải là một cấp hoàn chỉnh gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

           Vấn đề giữ hay bỏ HĐND huyện, quận, phường đã tốn rất nhiều thời gian, giấy mực, bao nhiêu cuộc hội thảo, hội nghị, điều tra, khảo sát... Tưởng đâu đã ngã ngũ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua. Thế nhưng, có vẻ như chúng ta đã chọn một con đường đi mà không hề có đích đến, nên cứ loay quay, luẩn quẩn mà không tìm được lối ra. Nếu đã vậy, tốt nhất chúng ta đừng đi nữa hãy quay trở lại vạch xuất phát ban đầu !      

Hội đồng nhân dân là thiết chế dân chủ không thể thiếu

Theo kết quả khảo sát điều tra vào cuối năm 2011 của Bộ Nội vụ, thì có đến 79% người được hỏi ở 10 tỉnh, thành phố thí điểm đồng ý không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; ở những địa phương không thí điểm, thì cũng có đến 70% người được hỏi đồng ý bỏ HĐND quận, huyện, phường.

Không chỉ có thế, việc quyết định bỏ HĐND huyện, quận, phường còn có những cơ sở quan trọng khác, như: kết quả tổng kết của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện (tháng 2/2012); Đề án chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng; ý kiến đồng thuận của đa số các Thành viên Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 (19/27 ý kiến)...

Nghe có vẻ rất thuyết phục cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Thế nhưng vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng? Phải chăng vì vấn đề quá phức tạp hay vì kết quả tổng kết thí điểm, kết quả của những cuộc điều tra, khảo sát chưa thật khách quan, chưa đáng tin cậy hay tại cả hai ?

Cuối cùng thì một phương án dung hòa cũng được đưa ra trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội lần này, đó là: Ở quận, phường không tổ chức HĐND (phương án 1) và HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp, đặc biệt ở quận và phường (phương án 2). Nghe có vẻ hợp lý hơn với hai phương án này, nhưng thật ra có điều gì đó chưa ổn. Những lý lẽ mà Ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đưa ra để bỏ HĐND quận, phường vẫn chưa thật sự thuyết phục, vẫn dựa vào những lập luận chưa thật chắc chắn và có phần chủ quan như đã nêu trên; vẫn cố gắng thuyết phục “bỏ HĐND quận, phường” với những lý giải đơn thuần về những gì có thể “khỏa lấp” khoảng trống khi không còn HĐND quận, phường. Với cách lý giải như vậy, liệu các đại biểu Quốc hội đã yên tâm khi quyết định bỏ HĐND quận, phường?

 Những câu hỏi cũ lại được đặt ra: Vì sao ở quận, phường thì không cần HĐND, không cần một cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013? Vì sao nhiều người dân (trên 70%, theo như kết quả khảo sát, điều tra của Bộ Nội vụ) lại từ chối một cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình?! Điều 6, Hiến pháp năm 2013 quy định:Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Vậy nếu bỏ HĐND quận, phường thì có làm hạn chế tính dân chủ đại diện của người dân ở những địa phương đó hay không?

Quyền lực phải được kiểm soát

Để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì quyền lực Nhà nước phải thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước. Tư tưởng này đã được thể hiện trong văn kiện của Đại hội XI của Đảng và được thể chế hóa tại Điều 2 Hiếp pháp năm 2013. Như vậy, mặc dù chế độ chính trị của nước ta không theo thuyết “tam quyền phân lập”, nhưng về nguyên tắc quyền lực chỉ có thể chế ước bằng quyền lực, do đó để có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thì vấn đề kiểm tra, giám sát quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa và bị lạm dụng là hết sức cần thiết. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để không phân quyền, không lạm quyền. Nói cách khác, để đảm bảo thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chính quyền địa phương phải là một chỉnh thể hoàn chỉnh, bao gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thành lập ở một cấp hành chính. Điều này đã được khẳng định tại khoản 2, Điều 111 Hiến pháp năm 2013: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân....”

Hơn nữa, hiện nay ngoài cơ chế giám sát của cơ quan dân cử, vẫn chưa có cơ chế kiểm soát nào từ bộ máy cơ quan hành pháp đối với hoạt động của cơ quan tư pháp. Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, hệ thống cơ quan hành chính và hệ thống cơ quan tư pháp hầu như không có mối quan hệ hiến định nào xét từ góc độ phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực. Trong khi đó, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh khó có thể thay thế HĐND quận, phường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp ở quận. Lý do đơn giản là với cơ cấu tổ chức của Quốc hội và HĐND cấp tỉnh hiện nay, tổ chức tốt hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp cùng cấp đã khó thì làm sao có thể đảm đương thêm trọng trách giám hoạt động của nhiều cơ quan tư pháp ở các quận.

Vấn đề không phải là “bỏ”, mà là tổ chức sao cho phù hợp

            Có ý kiến cho rằng, bộ máy chính quyền địa phương phải phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý, có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn nông thôn và đô thị, nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính quyền địa phương. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, nhưng thiết nghĩ khái niệm “phù hợp” ở đây không có nghĩa là phải “tinh giản” HĐND quận, phường, mà là phải đổi mới về chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức cho phù hợp như đã nêu trong phương án 2. Điều này cũng đúng với tinh thần quy định tại khoản 2, Điều 111 Hiến pháp năm 2013 (Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định). Bởi thực tế cho thấy, với mô hình chính quyền địa phương ba cấp như hiện nay, thì vai trò của HĐND quận, phường vẫn thật sự là cần thiết như đã phân tích ở trên.

Văn Đặng     

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay16,743
  • Tháng hiện tại264,307
  • Tổng lượt truy cập2,484,401
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây