Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135: Sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án

Thứ sáu - 21/04/2017 21:00 9 0

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135: Sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những dự án thuộc Chương trình 135 nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 20 xã thuộc 5 huyện biên giới (Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng bàng) được hỗ trợ vốn để triển khai thực hiện dự án. 

Tuy nhiên qua khảo sát năm 2015 và phúc tra của HĐND tỉnh mới đây cho thấy, việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa hiệu quả, nhiều hộ nghèo đã nhận hỗ trợ trước đây hiện vẫn chưa thoát nghèo nhưng không được tiếp tục hỗ trợ.
 
bai_135.jpg
Khảo sát, phúc tra thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện Trảng Bàng

Nhiều bất cập, hạn chế!

Đây là Chương trình mang tính hỗ trợ và có thể thực hiện hỗ trợ theo nhóm hộ, nhóm hộ theo quy định bao gồm hộ nghèo và hộ không nghèo có kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong nhóm vươn lên thoát nghèo, trong đó hộ không nghèo chiếm tỷ lệ không quá 20% số hộ của nhóm. Nhưng hiện nay dự án này được UBND cấp xã triển khai thực hiện chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ trọn gói mang tính cấp vốn (không phải mang tính hỗ trợ) và hỗ trợ dàn trải cho tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức hỗ trợ bằng nhau, chưa có sự phân biệt giữa các mô hình thực hiện, việc triển khai dự án theo nhóm hộ chưa được thực hiện; bên cạnh đó, nhận thức của một số hộ dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước, không ít hộ nghèo chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 được triển khai thực hiện chủ yếu là chăn nuôi cá, heo, gà, vịt, trâu, bò. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, các dự án này khi thực hiện có nhiều rủi ro, chưa khả thi, hiệu quả chưa cao, cụ thể: Dự án chăn nuôi gà, vịt, tỷ lệ chết cao do triển khai giao con giống vào mùa mưa nhiều dễ xảy ra dịch bệnh, có nơi chất lượng con giống giao cho hộ dân không đảm bảo (vừa giao con giống vài ngày thì bị bệnh, chết); dự án nuôi heo, hỗ trợ vật nuôi và thức ăn, sau khi sử dụng hết thức ăn thì bán vật nuôi; dự án chăn nuôi bò thì thời gian kéo dài do giá trị con bò cao (20-30 triệu đồng/con) nên phải hình thành nhóm hộ để đủ vốn mua bò và phải thực hiện nuôi xoay vòng theo từng nhóm hộ (mỗi nhóm khoảng 4 – 6 hộ). 

Ngoài ra, việc hỗ trợ máy phun thuốc trừ sâu cũng được một số địa phương triển khai thực hiện nhưng không phù hợp thực tiễn do hiện nay hầu hết các hộ làm nông nghiệp đều có máy phun thuốc; bên cạnh đó một số đối tượng là người cao tuổi không có điều kiện sử dụng máy vẫn được cấp, không có khả năng sử dụng phải chuyển cho con, cháu sử dụng.
 
bai_135_1.jpg
Máy phun thuốc trừ sâu thuộc dự án

Theo quy định UBND tỉnh, định mức hỗ trợ tối thiểu cho mỗi hộ tham gia dự án là 5 triệu đồng/hộ nghèo, 4 triệu đồng/hộ cận nghèo, quy định là mức tối thiểu thế nhưng thực tế hiện nay các địa phương chỉ được thực hiện ở mức 5 triệu đồng/hộ nghèo, 4 triệu đồng/hộ cận nghèo, muốn hỗ trợ cao hơn cũng không được. Theo các xã, mức hỗ trợ này là thấp, không đảm bảo để triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi trâu, bò và các công cụ sản xuất có giá trị cao hơn nhiều lần so với mức hỗ trợ.

Mặt khác, định mức hỗ trợ nêu trên chưa quy định rõ là hỗ trợ một lần hay nhiều lần, hỗ trợ trọn gói hay hỗ trợ theo giai đoạn, do đó cách hiểu về định mức hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương không giống nhau, dẫn đến bất cập trong thực hiện. Có địa phương hỗ trợ bình quân 5 triệu đồng/hộ cho tất cả mọi hộ nghèo, hộ cận nghèo và chỉ hỗ trợ 1 lần cho mỗi đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; có địa phương nâng mức hỗ trợ lên 6,5 triệu đồng – 7 triệu đồng/hộ và thực hiện lồng ghép với các chương trình hỗ trợ khác; có địa phương chỉ hỗ trợ 1 lần cho mỗi đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng có địa phương hỗ trợ một lần cho giai đoạn (2011-2015), sang giai đoạn mới (2016-2020) được tiếp tục thực hiện hỗ trợ và cũng có trường hợp được hỗ trợ quay lại nhưng không nhiều.

Với định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ nghèo, 4 triệu đồng/hộ cận nghèo và chỉ hỗ trợ 1 lần cho mỗi đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, cùng với việc triển khai định mức phân bổ nguồn vốn cho từng xã chưa có sự linh động điều chuyển vốn, không căn cứ vào số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã mà thực hiện mang tính bình quân, phân bổ đều cho từng xã (từ năm 2015 trở về trước 300 triệu đồng/xã, năm 2016 là 270 triệu đồng/xã), do đó các xã đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện và giải ngân, vì không còn đối tượng để hỗ trợ. Thực tế, năm 2015 một số xã không giải ngân được do các hộ nghèo, cận nghèo đều đã được hỗ trợ vào những năm trước (Bến Cầu, Trảng Bàng), năm 2016 giải ngân được do thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới (đa chiều) nên phát sinh thêm một số hộ nghèo mới để thực hiện.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan về những vấn đề bất cập, hạn chế nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại phiên giải trình, trên cơ sở ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và tiếp thu, giải trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chỉnh, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo, trong thời gian tới giao Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội tham mưu xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn và có cơ chế điều chuyển vốn giữa các huyện, về định mức hỗ trợ không dừng lại mức 5 triệu đồng/hộ nghèo, 4 triệu đồng/hộ cận nghèo như trước đây mà theo nhu vốn của từng dự án và hướng dẫn thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn khác; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn mô hình hiệu quả để triển khai, nhân rộng, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện; định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để nâng cao hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo mang tính bền vững, khả thi hơn trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Thảo

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay3,069
  • Tháng hiện tại20,847
  • Tổng lượt truy cập2,506,716
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây