Công cụ pháp lý quan trọng
Giữa bộn bề cuộc sống, có rất nhiều vấn đề dân sinh đặt ra cần được giải quyết. Có vấn đề đã được tiếp thu, trả lời và giải quyết thấu đáo; có vấn đề việc giải quyết còn chậm, kết quả chưa rõ ràng, chưa thỏa mãn được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Cũng có vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng đó không phải là điều cử tri quan tâm, mà quan trọng là: Những vấn đề dân sinh sẽ được giải quyết khi nào? Như thế nào? Và cơ quan, cán bộ nhà nước, đại biểu dân cử thực hiện lời hứa của mình ra sao?
![]() Biết trăn trở, thao thức với những vấn đề dân sinh là cách để đại biểu dân cử giữ “chữ tín” |
Ảnh: Minh Thông |
Khắc phục tình trạng những ý kiến, kiến nghị của cử tri trôi vào quên lãng, pháp luật đã trao cho HĐND công cụ pháp lý quan trọng nhằm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn. Những quy định mới này, nếu được HĐND các cấp triển khai thực hiện hiệu quả sẽ là công cụ để đại biểu và cử tri kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện lời hứa của cơ quan, người có thẩm quyền với từng vấn đề dân sinh, bảo đảm cho những lời hứa trước cử tri phải được thực hiện rốt ráo, không chây ỳ hay rơi vào quên lãng. Đó chắc chắn cũng là cơ sở thực tiễn để đại biểu HĐND cân nhắc, đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Không thể là lời hứa suông
Thực tiễn TXCT cho thấy, không ít trường hợp đại biểu băn khoăn tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao những lần đầu tiên đi tiếp xúc, cử tri tham dự nhiều, số lượt ý kiến, kiến nghị cũng nhiều; nhưng càng về sau càng giảm? Câu trả lời được hy vọng nhất là những vấn đề người dân đề đạt, mong mỏi đã được giải quyết đáp ứng theo yêu cầu; nhưng cũng có khi là do người dân nản - vì nói nhiều mà không giải quyết được bao nhiêu. Còn câu trả lời đáng thất vọng nhất là: Người dân không còn tin vào đại biểu của họ. Ấy là khi đại biểu chỉ hứa mà không làm, là khi đại biểu chưa quan tâm giữ gìn “chữ tín” trước những cử tri đã tín nhiệm bầu ra mình. |
Cơ chế để giám sát việc thực hiện lời hứa của cơ quan, cán bộ nhà nước như vậy là đã rõ; còn việc thực hiện lời hứa của đại biểu dân cử thì như thế nào?
Theo quy định, trước khi bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các ứng cử viên được vận động bầu cử thông qua gặp gỡ, TXCT tại hội nghị TXCT ở địa phương nơi mình ứng cử. Khi đó, ứng cử viên phải trình bày trước cử tri về “Chương trình hành động” của mình. Đó là những lời hứa mà người ứng cử sẽ thực hiện nếu được bầu làm đại biểu. Do đó, Chương trình hành động được xem là một công cụ hữu hiệu để giúp cử tri nhận ra “bản sắc” của ứng cử viên và thuyết phục cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho ứng cử viên. Đã có nhiều trường hợp, cử tri cẩn thận cắt lại bài báo in Chương trình hành động của ứng cử viên, để một lúc nào đó trong nhiệm kỳ, chất vấn ứng cử viên - khi đó đã là đại biểu - rằng: “Đại biểu đã làm gì để thực hiện lời hứa của mình khi vận động bầu cử?”. Lời hứa của đại biểu dân cử không thể là lời hứa suông, vì trong suốt nhiệm kỳ, nhân dân sẽ luôn theo sát họ.
Tùy theo lĩnh vực công tác và năng lực chuyên môn, mỗi đại biểu đều có những cam kết cụ thể, nhưng có một điều mà đại biểu nào cũng hứa, đó là “liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Chỉ một điều như vậy mà không phải ai cũng làm được, vì đại biểu đa số hoạt động kiêm nhiệm, phải dành thời gian cho công việc chuyên môn... và vì không có cơ chế nào để kiểm tra hay ràng buộc đại biểu phải thực hiện.
Vì lẽ đó mà việc thực hiện lời hứa của đại biểu hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm và năng lực tự giác của chính đại biểu. Cử tri sẽ theo sát, giám sát việc thực hiện lời hứa để từ đó đánh giá đại biểu có xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân hay không? “Trường hợp đại biểu không còn xứng đáng thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm”, tuy nhiên lại chưa có những quy định pháp luật cụ thể để thực hiện việc bãi nhiệm này. Thiếu những quy định pháp luật về cơ chế giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu dân cử thì không tránh được trường hợp cử tri sẽ nhắc: “Đại biểu, anh còn nhớ hay anh đã quên?”.
Thao thức với những vấn đề dân sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào Quộc hội để làm ĐBQH, không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. Đại biểu HĐND cũng vậy, “cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”, phải luôn tâm niệm và phấn đấu để biến lời hứa thành hành động thiết thực trong công tác (cả trên cương vị đang đảm nhận hay cương vị đại biểu dân cử). Đó cũng là cách thức thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử của Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: “Đối với những bức xúc và ý tưởng của người dân, tôi thường nhập tâm và đọng lại được, chứ không để trớt ra. Vậy nên, lúc nào tôi cũng thấy trăn trở, thao thức với những bức xúc của người dân…”.
Biết trăn trở, thao thức với những vấn đề dân sinh - đó cũng là cách đại biểu dân cử giữ gìn “chữ tín” của mình - để từ đó, thôi thúc đại biểu đi tìm phương cách thực hiện lời hứa của mình trước cử tri.
Ý kiến bạn đọc