Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 2,860 tỷ đồng, năm 2018 là 2,429 tỷ đồng, năm 2019 là 2,275 tỷ đồng; từ nguồn thu học phí năm 2017 là 593,634 triệu đồng, năm 2018 là 1.250,835 triệu đồng, năm 2019 là 1.371,654 triệu đồng; đối với nguồn vận động quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh do các trường tự chủ vận động thu - chi.
Nhìn chung, các trường chủ động quản lý có hiệu quả, sử dụng kinh phí tiết kiệm, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; Các trường thực hiện cơ chế tự chủ, chủ động trong việc mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện tại có 17/68 trường đạt chuẩn trong toàn huyện, đa số các trường được xây dựng rất lâu nên đến nay một số hạng mục không đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế, cơ sở vật chất xuống cấp nhiều trong khi nguồn ngân sách cấp còn hạn chế, nguồn thu học phí chỉ có ở cấp mẫu giáo và trung học cơ sở, cấp tiểu học được miễn theo quy định, nguồn xã hội hóa chỉ có vài trường ở trung tâm huyện… Do đó, việc tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Kết luận, ông Võ Văn Vu - Trưởng đoàn giám sát đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND huyện văn bản hướng dẫn việc thu, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong công tác quản lý kinh phí, nhất là đối với nguồn kinh phí xã hội hóa, kinh phí vận động; tập huấn nghiệp vụ cho kế toán các trường để quản lý thống nhất. Trong điều kiện ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn, đề nghị các trường thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, bảo quản tốt hơn cơ sở vật chất được cấp và trang bị để kéo dài thời gian sử dụng (nhất là đối với công trình nhà vệ sinh); kịp thời báo cáo những khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng kinh phí để đảm bảo hoạt động thường xuyên, đồng thời đảm bảo các chế độ cho giáo viên của trường theo quy định.
PT
Ý kiến bạn đọc