Vẫn cứ hẹp hòi, o ép
- Theo các quy định mới, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, nhất là HĐND cấp tỉnh được tăng lên rất nhiều; đồng nghĩa với vai trò, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc cũng cần được tăng cường. Tuy nhiên, theo Nghị định 48/2016/NĐ-CP, bộ phận tham mưu, giúp việc lại bị rút xuống. Ông nghĩ sao về nghịch lý này?
Nhiệm vụ, trách nhiệm của HĐND theo quy định mới nặng nề hơn, đòi hỏi phải nâng tầm năng lực, trình độ mọi mặt của bộ phận tham mưu, giúp việc. Theo tôi, mỗi ban của HĐND cần có một phòng chuyên môn giúp việc. Nếu chỉ có một phòng chung giúp việc tất cả các ban, các đại biểu chuyên trách thì rất khó hoàn thành công việc chứ chưa nói nâng cao chất lượng. Từ thực tế tổ chức các cơ quan của QH cũng như một số địa phương cho thấy, việc có các phòng chuyên môn giúp việc các ban của HĐND cấp tỉnh là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão |
- Nghị định 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành không phù hợp với thực tế, tôi cho rằng có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức về thiết chế HĐND. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương, bao gồm HĐND trong Hiến pháp năm 1946 là rất rõ ràng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, một thời gian dài, HĐND không phát huy được vai trò của mình. Năm 1989, QH sửa Luật Tổ chức HĐND và UBND, trong đó quy định Thường trực HĐND là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của HĐND đang dần đi vào thực chất. Từ đó cho đến nay, HĐND đã có những bước tiến quan trọng. Song, do nhận thức về HĐND chưa đầy đủ, người ta vẫn cứ hẹp hòi, vẫn cứ o ép, vẫn cứ khó khăn đối với HĐND. Cho nên, có lúc đã đưa ra chủ trương thí điểm bỏ HĐND cấp này cấp kia. Đến Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn khẳng định phải có HĐND ở ba cấp. Cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh nhận thức về HĐND rất phức tạp, dằng dai.
“Số phận” của HĐND thăng trầm như vậy, dễ hiểu vì sao mà bộ phận tham mưu, phục vụ cho HĐND cũng “ba chìm bảy nổi”. Trước đây, không có bộ phận văn phòng HĐND riêng mà do Văn phòng Ủy ban hành chính (UBND) đảm nhiệm. Rồi có lúc, bộ phận tham mưu, giúp việc này lại nằm trong Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND. Nay, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Văn phòng HĐND được tách ra, độc lập. Theo như quy định hiện hành, UBTVQH hướng dẫn và giám sát các hoạt động của HĐND; còn Chính phủ thì kiểm tra, tạo điều kiện cho HĐND hoạt động. Do đó, khi xây dựng một Nghị định về văn phòng HĐND cần có sự thảo luận, góp ý, xây dựng của cả UBTVQH và Chính phủ. Tuy nhiên, chất lượng của Nghị định chưa đạt, phải chăng, việc trình Chính phủ Dự thảo Nghị định là Bộ Nội vụ mà do một đồng chí Thứ trưởng chủ trì, và có thể vị này không có kinh nghiệm và kiến thức về tổ chức và vận hành của thiết chế HĐND. Hơn nữa, Nghị định có liên quan đến cơ quan dân cử nhưng lại chưa có sự tham gia của cơ quan dân cử Trung ương, ở đây là UBTVQH vào quá trình xây dựng Nghị định này nên có tình trạng trên là điều dễ hiểu.
Mục tiêu lớn nhất của việc lập Văn phòng HĐND độc lập là nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và sự chuyên nghiệp của bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND, từ đó nâng cao vai trò, sức mạnh của cơ quan dân cử địa phương. Tôi cho rằng, nếu “co” bộ phận tham mưu, giúp việc lại như Nghị định 48 thì rất khó thực hiện được mục tiêu này.
![]() Nhiệm vụ, trách nhiệm của HĐND nặng nề hơn, đòi hỏi phải nâng tầm năng lực, trình độ mọi mặt của bộ phận tham mưu, giúp việc |
Ảnh: Khánh Duy |
Không để bất cập kéo dài
- Điều đáng nói là, quá trình lấy ý kiến Dự thảo Nghị định này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của đại diện HĐND các tỉnh về việc phải quy định các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND nhưng đến khi Nghị định ban hành lại khác hoàn toàn. Ông bình luận như thế nào về việc trước sau bất nhất như thế này?
- Như tôi đã nói, về cách xây dựng Nghị định này, tuy là Nghị định của Chính phủ, nhưng vì quy định cho cơ quan dân cử, cho nên cần phải có sự nhất trí của UBTVQH. Do đó, cần bổ sung căn cứ ban hành Nghị định: Sau khi thống nhất với UBTVQH. Khi Chính phủ xây dựng Nghị định này, phải có ý kiến bằng văn bản của UBTVQH. Đây là điều chưa làm được. Điều đáng tiếc này dẫn đến hậu quả là Nghị định không chuẩn. Rõ ràng, Nghị định này về mặt quy trình, thủ tục có vấn đề chưa ổn. Hệ quả tất yếu, Nghị định sau khi ban hành, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống; chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ HĐND cấp tỉnh.
Về trường hợp cơ quan soạn thảo Nghị định hứa tiếp thu nhưng rồi lại không tiếp thu, nếu đúng như vậy, phải xem xét lại, cần thiết xử lý nghiêm. Tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu ảnh hưởng khi xây dựng chính sách là việc hết sức quan trọng. Không tôn trọng việc lấy ý kiến của cơ quan có trách nhiệm, đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của chính sách, để bổ sung những nội dung hợp lý; đồng thời trao đổi, thảo luận các vấn đề có quan điểm khác nhau, đi đến đồng thuận chung là không ổn chút nào. Cần phải thay đổi cách làm cho đúng nguyên tắc. Ở đây, có vấn đề nhận thức của lãnh đạo và bộ phận soạn thảo Nghị định, có vấn đề không tôn trọng quy trình xây dựng văn bản QPPL. Mặt khác, nó cũng là vấn đề thuộc về đạo đức của công chức cán bộ, đã hứa mà lại thất hứa như vậy, liệu có thể là những cán bộ tốt, lãnh đạo tốt được hay không?
- Không tiếp thu những ý kiến tâm huyết của người trong cuộc, Nghị định 48 ngay từ khi mới ban hành đã không phù hợp với thực tế và các quy định của Hiến pháp, pháp luật về tăng cường tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Một văn bản như vậy, theo ông có nên nghiêm túc xem xét lại không? Và để cơ quan soạn thảo không còn “phớt lờ” ý kiến của người trong cuộc, QH cần có tiếng nói như thế nào, thưa ông?
- Tôi hoan nghênh Báo Đại biểu Nhân dân đã sớm có những loạt bài về sự bất cập của quá trình soạn thảo cũng như nội dung của Nghị định 48. Cùng với báo chí, HĐND cấp tỉnh, qua thực tiễn hoạt động, phải có ý kiến đánh giá và có kiến nghị với Chính phủ, kiến nghị với UBTVQH xung quanh vấn đề này. Khi đó, có căn cứ để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại Nghị định này. UBTVQH khi nhận được các ý kiến của HĐND các tỉnh, thành cũng cần nghiêm túc xem xét, nếu phát hiện có sơ suất thì yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện ngay để Văn phòng tham mưu, giúp việc HĐND làm tròn chức trách, không câu nệ là mới ban hành. Ngoài ra, Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Pháp luật cũng cần phải thể hiện vai trò của mình trong việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và hợp lý của Nghị định này.
Theo tôi, phải xem xét toàn diện tính hợp pháp, hợp lý và tính khả thi của Nghị định 48 ngay. Nếu chưa đúng thì phải kịp thời sửa đổi, hoàn thiện, còn nếu đúng rồi thì phải triển khai thực hiện cho nghiêm túc. Cùng với sửa đổi, cũng cần xem xét nguyên nhân sai sót đến từ đâu; do nhận thức, do không thực hiện theo đúng quy trình hay do động cơ nào khác? Cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ, mọi sai sót, bất cập để kéo dài đều bất lợi cho quá trình phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn ông!
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn: 2 phòng là quá ít Về số lượng phòng thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh trong Nghị định 48, khi xây dựng Dự thảo Nghị định này, qua lấy ý kiến của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, đặc biệt là Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ đã trình ra Chính phủ 2 phương án. Phương án 1: Thành lập 4 phòng thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh; Phương án 2: 3 phòng. Nhưng khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thì ý kiến của Bộ Nội vụ chỉ là 1 trong 28 ý kiến thành viên Chính phủ. Sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, cuối cùng Chính phủ quyết định thành lập 2 phòng. Cá nhân tôi thấy rằng, việc tinh gọn số phòng, mặc dù là theo xu hướng chung nhưng 2 phòng là quá ít. Xin chia sẻ thêm, việc tinh gọn bộ máy, số lượng phòng cũng như số lượng chức danh cấp phòng không chỉ thực hiện ở HĐND mà kể cả cơ quan Trung ương và UBND các địa phương tới đây sẽ thực hiện. Sắp tới, Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh sẽ tinh gọn số lượng cấp Phó trong các sở, số lượng các phòng trong các sở, và số lượng cấp phó trong mỗi phòng của cấp sở. Theo Dự thảo mới nhất, dự kiến sẽ sáp nhập Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải; đồng thời tinh gọn tối đa số phòng, giảm 1 nửa, thậm chí tới 2/3 số phòng trong mỗi sở. Tất cả các vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu tổng hợp trong một báo cáo chung. Chúng tôi đang đề xuất tổ chức một cuộc họp giữa Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, bất cập liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, có những vướng mắc xung quanh Nghị định 48 của Chính phủ. Hy vọng những vướng mắc, bất cập sẽ sớm được UBTVQH, Chính phủ chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đại biểu và các cơ quan liên quan báo cáo với QH, UBTVQH, Chính phủ để sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với thực tiễn các địa phương. MINH QUỐC ghi |
Ý kiến bạn đọc