MỘT SỐ KỸ NĂNG, KINH NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG THẨM TRA BÁO CÁO, TỜ TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND CẤP XÃ

Thứ hai - 15/10/2018 16:00 11 0

MỘT SỐ KỸ NĂNG, KINH NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG THẨM TRA BÁO CÁO, TỜ TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND CẤP XÃ

Thẩm tra các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp HĐND cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND cấp xã. Chất lượng hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND cấp xã trong thời gian từng bước được nâng lên, nêu ra những vấn đề cốt lõi, có tính nổi bật và tầm ảnh hưởng lớn hoặc là những vấn đề mới phát sinh báo cáo; phân tích, lý giải và trình bày thực trạng, nguyên nhân của tình hình một cách sát thực phù hợp với thực tế, có độ tin cậy và thuyết phục; thể hiện ở chính kiến đồng tình, chưa đồng tình đề nghị bổ sung lý do; đề xuất, kiến nghị các giải pháp chủ yếu có tính đột phá, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế, những vấn đề đề nghị làm rõ được UBND giải trình bằng văn bản hoặc trực tiếp, có vấn đề đề xuất đã được UBND chấp nhận, góp phần quan trọng vào sự thành công của kỳ họp. 

Tuy vậy, hoạt động thẩm tra một số nội dung UBND trình các ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra có lúc còn xuôi chiều, chưa đủ yếu tố để kết luận khẳng định vấn đề, đa số đều thống nhất với nội dung tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết UBND cùng cấp trình dẫn đến chất lượng thẩm tra có phần chưa sâu, nghị quyết HĐND ban hành một thời gian lại phải điều chỉnh bổ sung vì chưa phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, các Ban HĐND xã thành viên Ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm và không phải thành viên nào cũng am hiểu sâu ở tất cả các lĩnh vực, càng khó hơn đối với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh. 

Do vậy, ở mỗi lĩnh vực việc thẩm tra phải thực hiện đúng quy trình, đòi hỏi có sự nghiên cứu trước của các thành viên Ban, nhất là đối với những nội dung, lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu cần có sự tham gia của các chuyên gia. Các cuộc giám sát, khảo sát phải được thực hiện nghiêm túc nhằm cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, thể hiện rõ nét và đầy đủ trong báo cáo thẩm tra trình HĐND tại kỳ họp để các đại biểu HĐND có đủ cơ sở tham gia thảo luận đi đến quyết định.

Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thẩm tra chủ yếu là do: Các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết UBND gửi chậm so với thời gian quy định, nhất là đối với những đề án có nội dung rộng, phức tạp thì việc thẩm tra những vấn đề trọng tâm đa phần dựa vào sự chuẩn bị của UBND; Có vấn đề đại biểu biết nhưng ngại va chạm, nể nang, né tránh, chưa mạnh dạn trao đổi những nội dung chưa phù hợp; Công tác chuẩn bị dự thảo đề án, nghị quyết của UBND có nội dung chưa sâu, chưa thực hiện đầy đủ quy trình trong xây dựng dự thảo nghị quyết, nhất là chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động.

Để việc thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng, mang tính phản biện cao, các cơ quan có trách nhiệm liên quan cần đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình thủ tục soạn thảo ban hành nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật: các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải được gửi tới Thường trực HĐND và các Ban HĐND xã đúng thời gian. Trên cơ sở đó từng bước đổi mới nâng cao chất lượng, đảm bảo việc ban hành nghị quyết đúng luật và hiệu quả. Cần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, tăng cường khảo sát, giám sát để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Các ban HĐND cần được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, Lãnh đạo các Ban  cần được mời tham dự các hội nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ban; các hội nghị của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các Ban về các nội dung có liên quan.

Bên cạnh đó, các Ban cần chủ động ngay từ khi được UBND xã mời tham dự họp thống nhất các nội dung trình tại kỳ họp, qua đó để tiếp cận được thông tin sớm, chủ động thời gian xây dựng kế hoạch thẩm tra, xác định các vấn đề trọng tâm cần thẩm tra. Tiếp tục thu thập các thông tin cần thiết sau khi nhận được báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết cần thẩm tra, yêu cầu cơ quan soạn thảo phải cung cấp những tài liệu, báo cáo về các nội dung cần làm rõ; tổ chức các đoàn khảo sát để nắm tình hình về những nội dung liên quan đến báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết…trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành lấy ý kiến những người có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đang tiến hành thẩm tra.

Điều quan trọng nữa là, nội dung báo cáo thẩm tra của Ban phải thể hiện rõ được ý kiến của Ban về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả sự phát triển kinh tế; sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi, dư luận xã hội… những vấn đề mà Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho HĐND thảo luận và quyết nghị.

Nguyễn Hữu Thảo – Phó Chủ tịch HĐND huyện DMC

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay15,930
  • Tháng hiện tại51,388
  • Tổng lượt truy cập2,537,257
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây