Xác định đúng phạm vi, đối tượng
Trong thực tế, ranh giới về thẩm quyền thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế HĐND huyện, xã đối với một số trường hợp cụ thể khó xác định. Không hẳn lĩnh vực kinh tế là do Ban Kinh tế - Xã hội thẩm tra; cũng chưa hẳn trong lĩnh QP - AN là do Ban Pháp chế thẩm tra. Theo chúng tôi, muốn xác định thẩm quyền phải dựa trên cơ sở là cách tiếp cận vấn đề. Trong cùng một lĩnh vực, nhìn ở góc độ này thì là thẩm quyền thẩm tra của Ban Pháp chế, nhìn ở góc độ kia là thẩm quyền thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội. Như vậy, một báo cáo có thể do chỉ một ban thẩm tra; nhưng cũng có thể hai ban cùng thẩm tra, nhưng ở khía cạnh và góc nhìn khác nhau.
Đơn cử, một báo cáo của UBND trình kỳ họp HĐND, khi đánh giá về hiệu quả đầu tư của một dự án được nêu trong báo cáo là nhiệm vụ của Ban Kinh tế - Xã hội; còn về trình tự, thủ tục, việc chấp hành các quy định về đấu thầu, giao thầu, chỉ định thầu, sự công khai, minh bạch, thì trách nhiệm thẩm tra của Ban Pháp chế. Vì vậy, quá trình thẩm tra, hai ban cần xác định đúng phạm vi thẩm tra. Trong trường hợp cần thiết, hai ban phải có sự trao đổi, tránh chồng chéo, một vấn đề nhưng cả hai ban đều đề cập trong báo cáo thẩm tra.
![]() Kỳ họp thứ 4, HĐND huyện Hoài Nhơn, Bình Định |
Ngoài ranh giới, còn phải xác định đối tượng thẩm tra. Tinh thần là thẩm tra báo cáo của chủ thể (UBND hoặc các ngành…) chứ không phải thẩm tra hoạt động của chủ thể đó. Nghĩa là, khi thẩm tra báo cáo của UBND và các ngành chuyên môn thì đối tượng thẩm tra là tình hình thực thi pháp luật trên lĩnh vực đó, không phải là hoạt động chuyên môn của ngành đó.
Ví dụ, báo cáo của công an xã thì đối tượng thẩm tra của Ban Pháp chế là: Tình hình thực thi pháp luật trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (chứ không phải hoạt động của công an xã); của địa chính xã là tình hình thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; của tư pháp xã là tình hình thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tư pháp - hộ tịch.
Tìm ra nguyên nhân
Về kết quả thẩm tra, có một thực tế, các chủ thể của báo cáo thẩm tra bao giờ cũng nêu hết thành tích của mình, cố gắng không đề cập khuyết điểm và tồn tại, hạn chế. Do vậy, Ban Pháp chế phải đánh giá được những tồn tại, hạn chế chưa nêu, nhưng phải xác đáng, bảo đảm các cơ quan có báo cáo được thẩm tra tâm phục, khẩu phục.
Điều quan trọng là kỹ năng bác bỏ nhận định của chủ thể có báo cáo. Xin nêu một dẫn chứng về báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Nhơn, Bình Định trình kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2016. Sau khi nêu số liệu án bị hủy, cải sửa tăng nhưng Tòa án lại đánh giá trong báo cáo “chất lượng xét xử được nâng lên”. Ban đã lập luận để bác bỏ đánh giá trên: “Ban Pháp chế không thống nhất với nhận định, đánh giá về chất lượng xét xử của Tòa án trong báo cáo trình kỳ họp này”.
Một ví dụ khác, báo cáo của UBND xã đánh giá: “Việc tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nhân dân, tránh phiền hà”. Nhưng qua thực trạng công tác tiếp nhận, trả kết quả… Ban Pháp chế không đồng tình với đánh giá nêu trên của UBND xã. Theo Ban Pháp chế, lẽ ra, theo quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, chỉ có công chức văn phòng mới có thẩm quyền nhận hồ sơ, chuyển đến công chức chuyên môn giải quyết và chuyển lại Văn phòng để trả kết quả. Nhưng thực tế, bộ phận nào cũng nhận, cũng trả và trả không đúng hẹn.
Trường hợp, có những vấn đề chưa thể làm rõ trong báo cáo thẩm tra, Ban Pháp chế nên lập luận theo cách: Đề nghị (Công an huyện hay…) giải trình thêm về vấn đề này. Ví dụ, trong báo cáo công tác giữ gìn ANTT, công an huyện có nêu: 6 tháng đầu năm, lực lượng công an huyện, xã đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng đua xe; chở quá số người quy định… nhưng số vụ tai nạn so với cùng kỳ năm trước không giảm. Vậy, hiệu quả của các cuộc tuần tra, kiểm soát như thế nào? Đây là câu hỏi cần được chủ tọa kỳ họp yêu cầu ngành công an giải trình. Trước phiên họp, Ban phải trao đổi trước với chủ tọa bố trí thời gian hợp lý cho ngành có yêu cầu giải trình.
Riêng phần kiến nghị, dựa trên nguyên tắc tồn tại vấn đề gì thì kiến nghị vấn đề đó, nhưng không có nghĩa là tất cả tồn tại đều kiến nghị. Không phải thẩm tra chỉ để tìm ra tồn tại, hạn chế mà tìm ra nguyên nhân, lỗ hổng thuộc về cơ chế, chính sách, từ đó kiến nghị. Có thể kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Ví dụ như: Hạn chế trong hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, lỗi không hoàn toàn thuộc về xã mà trong đó có trách nhiệm của huyện. Đó là vấn đề quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế “một cửa”.
Ý kiến bạn đọc