Từ ngày 01/01/2016, Luật tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện bầu cử đại biểu HĐND tỉnh theo đúng quy định. Sau bầu cử, căn cứ Hướng dẫn số 1138 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ nhất, tiến hành bầu cử các chức danh của HĐND bảo đảm theo quy định. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND nhìn chung bảo đảm theo quy định của Luật (tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết, giám sát, thẩm tra, tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình, tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, và các hoạt động khác). Thực hiện Nghị định số 48 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng bảo đảm đúng theo quy định của Nghị định số 48.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật tổ chức CQĐP, một số văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, làm hạn chế hiệu quả hoạt động của HĐND nói riêng, của chính quyền địa phương nói chung.
Tập huấn kỹ năng hoạt động HĐND các cấp (ảnh minh họa)
Chưa phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa được phát huy, nhiều nội dung theo quy định do HĐND quyết định, nhưng thực chất đều thực hiện theo phân bổ của Trung ương. Có thể nêu một số ví dụ điển hình như: việc quyết định biên chế công chức trong cơ quan HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao và đã có địa chỉ cụ thể (đối với trường hợp tăng, giảm biên chế của từng cơ quan, đơn vị), do đó, việc thông qua HĐND còn mang tính hình thức và chỉ là để bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 19, Luật tổ chức CQĐP, HĐND tỉnh có thẩm quyền quyết định các biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Và theo quy định tại điểm h, khoản 9, điều 30 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, HĐND tỉnh có thẩm quyền “Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương”, tuy nhiên khi Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này tại Nghị định số 163 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, không hướng dẫn “một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương” là nhiệm vụ gì, hoặc ở đây, Chính phủ cho địa phương có quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù, nhưng Nghị định lại quy định thêm “Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp”.
Việc quy định thêm nội dung không có trong quy định của Luật làm hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhìn chung, mọi chế độ, chính sách của địa phương ban hành đều phải xin ý kiến Trung ương, một mặt tạo gánh nặng cho bộ máy Trung ương trong việc cho ý kiến về chế độ, chính sách của địa phương, mặt khác làm cho bộ máy chính quyền địa phương kém năng động.
Bộ máy giúp việc của HĐND chưa đáp ứng yêu cầu
Tại khoản 4, Điều 127 của Luật tổ chức CQĐP quy định: “Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã”, nhưng đến nay, Chính phủ mới quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 48 của Chính phủ). Đối với việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, xã chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó, nhiều địa phương chưa chú trọng việc tổ chức nhân sự thực hiện công tác này (cấp huyện chỉ bố trí 01-02 chuyên viên giúp việc), có nơi không bố trí nhân sự tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là ở cấp xã, mọi hoạt động của HĐND cấp xã do 01 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thực hiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng HĐND tỉnh theo Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ chỉ thành lập 02 phòng là phòng tổng hợp và hành chính – tổ chức – quản trị, đồng thời quy định, mỗi phòng chỉ có 01 phó trưởng phòng, đã tạo áp lực lớn, quá tải trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, góp phần làm hạn chế chất lượng hoạt động của HĐND.
Cần sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương nói chung, hoạt động của HĐND nói riêng, cần sớm giải quyết những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật tổ chức CQĐP và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể: cần có quy định cụ thể về việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề theo quy định của pháp luật, địa phương phải tuân thủ, những vấn đề pháp luật chưa quy định, hoặc quy định chưa rõ, cần có cơ chế để địa phương tự quyết định việc thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, quy định rõ những vấn đề phải xin ý kiến Trung ương (chỉ nên là những vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, quốc gia); quy định cụ thể chế độ báo cáo của địa phương đối với Trung ương để nắm tình hình và kiểm tra việc thực hiện.
Bên cạnh đó, để hoạt động HĐND ngày càng nâng cao hơn về chất lượng, hiệu quả, cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND phải căn cứ điều kiện thực tiễn của chính quyền địa phương, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định số 48 để bộ máy giúp việc của HĐND tỉnh đáp ứng yêu cầu tham mưu ngày càng chuyên sâu trong hoạt động HĐND và phải có sự đồng bộ, tương thích với các cơ quan cùng cấp khác. Đối với việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã cần có quy định cụ thể về biên chế tham mưu, giúp việc, phục vụ cho hoạt động HĐND để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định./.
NM