Khi nói về vai trò của đội ngũ cán bộ chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Trong hơn 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước ta, dân tộc ta từ thân phận nô lệ, đói nghèo, lầm than thành một nước độc lập, tự do, người dân sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, đất nước đang hội nhập vào dòng chảy thế giới, vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế ngày càng được khẳng định, nâng lên. Những thành tựu to lớn đó có vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ, công chức) năng động, sáng tạo, xông xáo trên mọi mặt trận luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân che chở, đùm bọc, tin yêu.
Tuy nhiên, ở thời kỳ đổi mới, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mối quan hệ cán bộ, công chức - những công bộc của Nhân dân có những biểu hiện thay đổi, tình cảm người dân dành cho cán bộ, công chức có sự giảm sút, mối quan hệ có vẻ như xa cách, lợt lạt, có trường hợp nghi ngờ, ca thán về thái độ tiếp xúc…Vì sao? Một bộ phận cán bộ, công chức không xem việc giải quyết công việc có liên quan người dân là trách nhiệm, là nhiệm vụ của bản thân mình mà là làm dùm, là sự ban ơn, nên người được giải quyết phải biết ơn, có trường hợp hách dịch, quan liêu, nạt nộ, xem thường (vậy mới có chuyện một trường hợp người dân phản ánh khi đến giao dịch ở Văn phòng đăng ký đất đai, một cán bộ nói: lúc đưa giấy đất không xem, sai không biết, ngu thì chịu,…), có trường hợp phải lót tay việc mới xong để không phải đi lại nhiều lần (mất thời gian, tiền bạc, công sức hơn thế nữa là tổn hại tinh thần vì phải chờ đợi, đôi khi rước nỗi bực bội vào người). Có thể nói đó đây, hoặc ở một nơi nào đó cũng không phải là hiếm gặp niềm tin của một bộ phận người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức đã giảm, họ cảm thấy phiền hà, bức xúc khi giao dịch, tiếp xúc.

Người dân chờ giải quyết thủ tục hành chính
Có ý kiến cử tri so sánh: khi khách hàng vào trung tâm Điện máy xanh, bệnh viện tư nhân, khách sạn hoàn toàn khác xa với việc vào cơ quan hành chính nhà nước, vì thái độ nhân viên những nơi đây họ rất lễ phép, rất ân cần, lịch thiệp, trong khi cán bộ, công chức thì thái độ cau có, khi tiếp xúc không nhìn mặt người đang tiếp xúc, lời lẽ cộc lốc, có trường hợp nói năng thô lỗ,… Cử tri đặt vấn đề: tại sao cán bộ, công chức nhà nước không có được thái độ phục vụ như nhân viên ở những nơi này?
Trong khi đó, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường hoạt động chống phá, âm mưu thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm bằng nhiều hình thức để tách dân khỏi Đảng, lợi dụng sơ hở của ta, sai trái của cán bộ công chức đẩy lên cao để khoét sâu mâu thuẫn, kích động quần chúng chống phá. Thực tế cũng đã xảy ra một vài nơi gây mất an ninh trật tự xã hội.
Vấn đề đặt ra cần có giải pháp khả thi để củng cố niềm tin, lấy lại sự tin yêu của quần chúng đối với đội ngũ cán bộ công chức .
- Trước hết, các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng việc tổ chức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức về mối quan hệ với quần chúng Nhân dân, về phong cách phục vụ Nhân dân. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng số 1, phải làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức từ tư duy “làm dùm dân” sang tư duy “phục vụ dân”, phải xác định rõ ràng chân lý: nếu không có Nhân dân thì không có cán bộ, công chức.
- Vấn đề quan trọng thứ hai cần nhấn mạnh đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải chủ động tích cực giáo dục cán bộ, công chức về tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân. Cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động của người đứng đầu, tự đề ra giải pháp phù hợp với đặc điểm công việc của đơn vị, nhiệm vụ của cán bộ công chức (tác phong như thế nào? Thái độ phục vụ như thế nào? Trách nhiệm đối với công việc như thế nào?), có chế dộ kiểm tra, giám sát thực tế nếu vi phạm xử lý bằng biện pháp hành chính, công tác thi đua, thậm chí kỷ luật, buộc thôi việc. Nếu cơ quan đơn vị bị quần chúng phản ánh về thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên một cách nghiêm khắc.
- Giao quyền chủ động cho người đứng đầu trong xử lý, tất nhiên có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh lợi dụng xử lý vụ việc mang tính cá nhân.
- Biểu dương nhân rộng kịp thời những gương người tốt, những việc làm hay trong mối quan hệ, trong tiếp xúc, trong phục vụ nhân dân; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm, thiếu sự tôn trọng khi tiếp xúc với Nhân dân.
Mối quan hệ của Đảng với Nhân dân là quan hệ gắn bó máu thịt được hình thành, bồi đắp từ lâu và nhờ đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử giành độc lập, tự do cho đất nước, đem ấm no, hạnh phúc đến mọi người, mọi nhà và hội nhập vào thế giới. Việc xây đắp niềm tin, có sự thương yêu đùm bọc của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng rất cần thiết, chính vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải xác định trách nhiệm của mình có việc làm thiết thực, cụ thể củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đúng như một câu châm ngôn đã chỉ định rõ: mất tiền bạc mất ít, mất danh dự mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả!
Phan Thị Điệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh