Tại phiên chất vấn, Chủ tọa kỳ họp đã tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của đại biểu HĐND huyện đối với nhóm vấn đề chất vấn và dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 9 HĐND huyện. Đại biểu thống nhất chất vấn 02 nhóm vấn đề đối với 02 lĩnh vực: lĩnh vực tài chính, lĩnh vực môi trường.
Đại biểu Phạm Văn Sĩ tham gia chất vấn thêm tại hội trường
Về lĩnh vực tài chính, đại biểu yêu cầu giải trình rõ nội dung: Vì sao năm 2020, tổng thu NSNN tỉnh giao (theo Quyết định số 2679/QĐ-UBND) 182.550 triệu đồng. Tổng thu NSNN của huyện (số huyện giao dự toán) 183.000 triệu đồng, cao hơn dự toán tỉnh giao cho huyện 450 triệu đồng. Tổng chi ngân sách tỉnh giao (theo Quyết định số 2679/QĐ-UBND) 501.990 triệu đồng. Tổng chi ngân sách của huyện (số huyện giao dự toán) 508.541 triệu đồng, cao dự toán tỉnh giao là 6.551 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với dự toán chi sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, huyện lại giao thấp hơn so dự toán tỉnh giao là 4.227 triệu đồng. Vì sao có sự chênh lệch này? Việc giao nội dung chi này căn cứ vào điều kiện, quy định nào? Đến nay đã thực hiện điều chỉnh theo ý kiến đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 323/STC ngày 07/02/2020 về ý kiến giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 hay chưa? Phương án điều chỉnh như thế nào? Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch trả lời: việc giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục đạt thấp hơn số tỉnh giao 4.227 triệu đồng, đây là nguồn tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên của đơn vị. Việc giao dự toán được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, mục III Công văn số 3534/STC-QLNS ngày 31/12/2019 của Sở Tài chính về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2020. Phòng sẽ tham mưu UBND huyện trình Thường trực HĐND huyện thống nhất điều chỉnh dự toán và báo cáo HĐND huyện tại Kỳ họp gần nhất.
Về lĩnh vực môi trường thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu HĐND huyện, cụ thể: Tình hình xây dựng nhà yến và nuôi chim yến tự phát trên địa bàn huyện đang phát triển trong những năm gần đây, nhất là tập trung trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, phân rơi vãi xung quanh gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe người dân và dễ phát sinh dịch bệnh… Huyện có giải pháp gì để quản lý hiệu quả việc nuôi chim yến của người dân trong thời gian tới? Được Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời: Theo thống kê được, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 69 nhà nuôi chim yến (xây dựng năm 2016: 2 nhà; 2017: 4 nhà; còn lại là từ năm 2018 đến nay). Hiện nay, việc quản lý nuôi chim yến chủ yếu thực hiện theo Luật Chăn nuôi năm 2018; Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ; Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 08/11/2019 của UBND tỉnh; Hướng dẫn số 3254/HD-SNN ngày 13/11/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, Tỉnh chưa có quy định cụ thể về vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Giải pháp quản lý trong thời gian tới, chủ yếu là yêu cầu các hộ nuôi chim yến chấp hành và thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định; cho cam kết, quy định thời gian hoàn thành hồ sơ và điều kiện chăn nuôi. Đối với các nhà yến không đủ điều kiện thì báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh để xử lý. UBND cấp xã tăng cường quản lý chặt chẽ không cho phát sinh xây mới nhà nuôi chim yến. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh phòng dịch. Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc đảm bảo môi trường, việc sử dụng đất đúng mục đích… Đại biểu Trần Công Danh tiếp tục chất vấn, báo cáo chưa nêu được phương hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Quy định đất xây dựng nhà yến phải là đất nông nghiệp khác, vậy đối với các trường hợp xây trên đất lúa, đất nông nghiệp thì hướng xử lý như thế nào? Có chế tài xử lý các trường hợp xây nhà yến trong khu dân cư hay không? Trường hợp các hộ nuôi chim yến mở loa 24/24 thì xử lý ra sao? Những hộ không thể hoàn thiện hồ sơ thì hướng xử lý như thế nào? Trong thời gian qua, Phòng đã tham mưu kiểm tra xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm về môi trường? Đại biểu Võ Tấn Dũng chất vấn thêm: về đất nông nghiệp khác, người dân có biết để xin chuyển trước khi xây dựng hay không và điều kiện để được cấp như thế nào? Đại biểu Phạm Văn Sĩ băn khoăn: Về chế tài, ngành chuyên môn huyện không có phương tiện, thiết bị đo tiếng ồn, khó xử lý; các cơ sở nuôi chim yến gần khu dân cư (dưới 300m) vi phạm thì xử lý như thế nào? Cần đưa giải pháp chế tài, xử lý hành chính khả thi hơn. Đại biểu Võ Văn Tươi: Cho biết cụ thể thêm số lượng xây dựng nhà yến từng năm, cung cấp danh sách cụ thể cho đại biểu nắm. Ông Nguyễn Xuân Trường đã giải trình cụ thể các nội dung đại biểu chất vấn thêm, đồng thời ghi nhận sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện quản lý chặt chẽ việc nuôi chim yến trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Kết luận phiên chất vấn, ông Thân Văn Nhân – Chủ tịch HĐND huyện khẳng định: Qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những nhóm vấn đề được HĐND lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao. Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Tôi kỳ vọng rằng các cơ quan, đơn vị được chất vấn có những việc làm cụ thể, thiết thực, có các giải pháp cụ thể để thực hiện các vấn đề đã được cử tri và đại biểu rất quan tâm nêu ra. Tôi đề nghị các đại biểu HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đặc biệt là quý cử tri hãy tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện của ngành chức năng, để ý kiến của đại biểu, tâm tư, nguyện vọng của cử tri huyện nhà sớm trở thành hiện thực./.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc