Qua tổng kết đánh giá hoạt động nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Dương Minh Châu cho thấy nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động.
Về công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp của HĐND. Trong nhiệm kỳ, HĐND huyện đã tổ chức 15 kỳ họp (gồm 10 kỳ họp thường lệ và 05 kỳ họp bất thường). Các bước chuẩn bị và tiến hành kỳ họp đều đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật; các nội dung thẩm tra được tập trung chuẩn bị, có sự đầu tư nghiên cứu nên chất lượng báo cáo thẩm tra ngày càng được nâng lên; các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo về mặt nội dung, có chất lượng. Công tác điều hành của Chủ tọa kỳ họp có nhiều đổi mới, có một số cải tiến, đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực; Chủ tọa linh hoạt, dân chủ, cởi mở, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND, UBND và các cơ quan, ban, ngành liên quan; các phiên thảo luận, chất vấn diễn ra khá sôi nổi, thẳng thắn, tập trung và có chiều sâu, ngày càng đi vào thực chất, nhiều vấn đề qua chất vấn đã được UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực; các Nghị quyết thông qua tại kỳ họp hầu hết đều được đại biểu thống nhất cao.
Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND, trong nhiệm kỳ HĐND, Thường trực HĐND và hai Ban HĐND huyện đã tổ chức 80 cuộc giám sát đối với UBND huyện, các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nội dung giám sát ngày càng toàn diện hơn trên các lĩnh vực, đồng thời có tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm về kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm, chú trọng những vấn đề thực tế tại cơ sở. Qua giám sát có tất cả 809 kiến nghị được gửi tới UBND tỉnh, UBND huyện, các ban ngành có liên quan, xem xét giải quyết. Tỷ lệ các kiến nghị qua giám sát giai đoạn 2016-2020 được giải quyết đạt 93,90%, kết quả giám sát đã cung cấp được nhiều thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND đã tổ chức 09 phiên giải trình, qua đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra những mặt được, những vấn đề còn hạn chế, kết luận phiên giải trình giúp cho UBND tỉnh và các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành, kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.
Hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân được Thường trực HĐND huyện quan tâm, định kỳ, trước và sau kỳ họp HĐND huyện, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN huyện tổ chức cho đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường kỳ; trong nhiệm kỳ đã tổ chức 20 đợt/15.700 lượt cử tri tham dự/220 buổi tiếp xúc cử tri; có 380 ý kiến kiến nghị của cử tri, tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt 84,85%. Công tác tiếp công dân luôn được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Hàng tháng, Thường trực HĐND tham gia tiếp công dân đầy đủ theo lịch tiếp công dân, ngoài ra đại biểu còn tham gia tiếp công dân theo yêu cầu của công dân. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân đảm bảo đúng quy định pháp luật, kịp thời chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền, đồng thời thường xuyên rà soát, đôn đốc việc giải quyết. Thường trực HĐND huyện đã tiếp công dân 67 cuộc, với 136 lượt công dân, tiếp nhận 14 đơn của công dân và chuyển ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định; đại biểu HĐND huyện tiếp công dân định kỳ hàng tháng tại nơi ứng cử, đảm bảo theo quy định. Hoạt động Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cơ bản duy trì được các mặt hoạt động theo Luật định…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2016-2021 hoạt động của HĐND huyện Dương Minh Châu vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Mặc dù cơ cấu, thành phần Thường trực HĐND, hai Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 được quan tâm và ngày càng hợp lý hơn, tuy nhiên số đại biểu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, trong khi đại biểu đại diện cho đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại biểu là nữ, đại biểu trẻ tuổi trong HĐND còn ít; số đại biểu tham gia HĐND chủ yếu là kiêm nhiệm và mang tính đại diện là chính, nặng về cơ cấu, trình độ đại biểu chưa đồng đều, đại biểu chuyên trách còn ít, về chuyên môn còn thiếu và yếu, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác phối hợp chuẩn bị kỳ họp còn hạn chế, việc chuẩn bị các văn bản trình kỳ họp của UBND có lúc còn chậm, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của hai Ban HĐND và việc cung cấp tài liệu cho đại biểu trước kỳ họp.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp của các đại biểu HĐND chưa nhiều, chỉ tập trung vào một số đại biểu (có đại biểu trong cả nhiệm kỳ chưa phát biểu); vẫn còn đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu kỳ họp, hoặc chỉ tập trung vào nội dung ngành, lĩnh vực mình phụ trách, nên chưa có nhiều kênh thông tin để phát biểu nhiều trong thảo luận tổ và chất vấn.
Hoạt động giám sát và hoạt động thẩm tra đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn một số ít cuộc thẩm tra bị động về thời gian; một số ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát các ngành chức năng xem xét, giải quyết chưa kịp thời. Hoạt động của một số Tổ đại biểu chưa phát huy hiệu quả thật sự, mặt khác các đại biểu hầu hết là kiêm nhiệm nên dành thời gian cho hoạt động Tổ chưa nhiều.
Một số đại biểu còn vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, thẩm tra các văn bản trình các kỳ họp HĐND. Còn một số đại biểu HĐND ngại va chạm, ít tham gia phát biểu trong công tác giám sát, thảo luận Tổ, chất vấn, trong công tác tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Cử tri tham gia tại các buổi tiếp xúc cử tri chưa nhiều. Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chậm được khảo sát, triển khai thực hiện.
Với những kết quả đạt được, mặt hạn chế của HĐND huyện Dương Minh Châu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND huyện Dương Minh Châu rút ra một số bài học kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 như sau:
Thứ nhất là sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND. Việc bố trí các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy giữ các chức danh Thường trực HĐND là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, chất lượng hoạt động của HĐND. Qua đó, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, việc lựa chọn, bố trí đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ bản lĩnh, đảm bảo số lượng là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND.
Thứ hai là nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, hai Ban và đại biểu HĐND. Thường trực HĐND, hai Ban và đại biểu HĐND giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND tập trung thực hiện tốt vai trò điều hoà, phối hợp với hoạt động của Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, kế hoạch giám sát, khảo sát phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hoạt động của HĐND huyện với HĐND cấp xã, đảm bảo cho các kế hoạch được triển khai đạt hiệu quả cao, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đồng thời, Thường trực HĐND phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch đề ra.
Hai Ban HĐND phải nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để giúp cho đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và hai Ban HĐND phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
Thứ ba là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, UBMTTQVN và các cơ quan liên quan khác. Chủ động xây dựng Quy chế phối hợp với UBND, UBMTTQVN cùng cấp để thực hiện, nhất là việc thống nhất thực hiện một số nội dung như: dự kiến nội dung, chương trình các kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn, giám sát, tổ chức kỳ họp, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...
Thứ tư là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tổ chức các kỳ họp HĐND, thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND. Kỳ họp HĐND phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, từng bước đưa kỳ họp HĐND trở thành cầu nối giữa lãnh đạo với cử tri trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc và quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, công tác chuẩn bị, điều hành kỳ họp phải thường xuyên đổi mới theo hướng tạo môi trường cho đại biểu phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tham gia thảo luận, góp ý thẳng thắn về nội dung các đề án, dự thảo nghị quyết; chủ tọa gợi ý, định hướng xem xét những vấn đề còn những ý kiến khác nhau; có báo cáo tóm tắt để trình bày, dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn... Trong hoạt động giám sát chuyên đề, giải trình, việc lựa chọn nội dung cần tập trung vào những lĩnh vực bức xúc đang được cử tri quan tâm; sau giám sát, Thường trực, hai Ban HĐND phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị. Đối với kiến nghị chậm giải quyết, Thường trực HĐND tiếp tục có văn bản nhắc nhở, đôn đốc giải quyết, đồng thời báo cáo với Thường trực Huyện ủy, kỳ họp HĐND xem xét.
Thứ năm là quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách. Vấn đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu HĐND được đặt lên hàng đầu, đây là một giải pháp cơ bản góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Thứ sáu là chú trọng công tác tiếp xúc cử tri. Tổ chức các hình thức tiếp xúc cử tri đa dạng, đối tượng tiếp xúc cần phù hợp với nội dung. Chương trình tiếp xúc cử tri của đại biểu phải phù hợp, dành nhiều thời gian để cử tri tham gia, phát biểu. Nội dung chuyên đề cần tổ chức tiếp xúc với cử tri có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động.
Thứ Bảy là chú trọng kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND. Đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng phải đảm bảo về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho HĐND, Thường trực, hai Ban HĐND. Việc đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho HĐND cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên hơn. Các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND như: kinh phí, biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, tổ chức bộ máy Văn phòng là một trong yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Thường trực HĐND huyện Dương Minh Châu quyết tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định và một số bài học kinh nghiệm nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND huyện trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Quang cảnh kỳ họp thứ nhất HĐND huyện Dương Minh Châu khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp bắt đầu cho nhiệm kỳ mới
Thường trực HĐND huyện Dương Minh Châu
Ý kiến bạn đọc