Đại biểu HĐND có quyền chất vấn, đây là quyền có cơ sở pháp lý quy định rõ ràng tại Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn…..".
Trong thời gian qua, hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND đã mang lại hiệu quả, chất lượng; kết quả sau chất vấn đã làm rõ được trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành các vấn đề quan trọng, bức xúc ở địa phương; đưa ra các phương hướng, giải pháp triển khai tốt các nhiệm vụ đề ra. Góp phần quan trọng nhằm khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND xã, thị trấn; làm cho tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có những chuyển biến theo hướng tích cực; một số vấn đề bức xúc từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, tìm giải pháp khắc phục kịp thời, với mục đích phục vụ tốt cho nhân dân, cho xã hội, qua chất vấn cử tri có những nhìn nhận và đánh giá được năng lực của đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, nhìn từ nhiều khía cạnh thì hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND vẫn còn đâu đó chưa thật sự được xem là hoạt động quan trọng, thiết thực, hiệu quả; tại một số kỳ họp hoạt động chất vấn (nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn) vẫn còn là hình thức, có nội dung thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp để hoàn thành biểu điểm đánh giá chất lượng; vẫn còn một số đại biểu HĐND chưa thật sự thực hiện tốt quyền chất vấn của mình, có đại biểu HĐND chỉ thực hiện ghi phiếu chất vấn cho xong quyền và nhiệm vụ, hoặc còn "sợ" đụng chạm cá nhân, ảnh hưởng uy tín cá nhân; hoặc nêu câu hỏi đưa ra chỉ là hỏi cho biết, chưa thật sự là những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm; có nơi đại biểu HĐND chưa nghiên cứu rõ được hoạt động chất vấn là như thế nào, dẫn đến đặt vấn đề chất vấn mỗi kỳ họp gặp không ít khó khăn; bên cạnh đó, người trả lời chất vấn còn tình trạng chưa đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi, giải trình còn dài, còn sa vào báo cáo thành tích hoặc trả lời cho xong….
Trước thực trạng trên, để thực hiện tốt hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp xã, phường, thị trấn, xin đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND như sau:
Thứ nhất: Đại biểu HĐND cần thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm người đại biểu dân cử; thường xuyên nắm bắt tình hình cử tri, dư luận xã hội. Thường trực HĐND phải phối hợp, điều hành hoạt động đúng theo Luật định.
Thứ hai: Đại biểu thường xuyên nghiên cứu văn bản, luật liên quan làm cơ sở, nền tảng bổ sung kiến thức cho mình; trong hoạt động chất vấn nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu và là những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cư tri và dư luận quan tâm, nắm rõ vấn đề để tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề mà đơn vị, cá nhân bị chất vấn trả lời chưa thấy thỏa đáng, đặt vấn đề thêm từ đó giúp cho cả người chất vấn, người bị chất vấn tìm ra được giải pháp thiết thực để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Thứ ba: Người trả lời chất vấn không giải trình quá dài, tránh sa vào báo cáo thành tích hoặc vòng vo né tránh mà đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm xác định rõ trách nhiệm và hướng giải quyết, thời gian giải quyết vấn đề. Đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề mà nội dung chất vấn nêu. Người trả lời chất vấn phải nghiêm túc giữ đúng lời hứa của mình, phải tập trung giải quyết tốt những nội dung được chất vấn đúng yêu cầu và thời gian đã hứa.
Thứ tư: Về điều hành phiên chất vấn phải đảm bảo thật linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, cởi mở. Chủ tọa điều hành theo hướng gợi mở vấn đề, trường hợp nếu có liên quan đến cơ quan, ngành, cá nhân khác thì chủ tọa yêu cầu người đứng đầu cơ quan, ngành hoặc cá nhân đó giải trình, bổ sung thêm để vấn đề chất vấn đạt hiệu quả chất lượng hơn; đặc biệt quán triệt đại biểu khi chất vấn không nên tạo không khí gay gắt, không mang tính lợi ích cá nhân; gợi mở một đại biểu chất vấn để nhiều đại biểu cùng tham gia "truy vấn". Sau mỗi nhóm nội dung vấn đề chất vấn, Chủ tọa kết luận vấn đề cụ thể và nội dung chất vấn được làm rõ ngay tại kỳ họp.
Thứ năm: Kết luận chất vấn, đây là vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng. Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn, trong đó giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong việc giải quyết những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp, yêu cầu rõ thời gian hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND; đồng thời báo cáo HĐND tại kỳ họp tiếp theo.
Thứ sáu: Giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn, trên cơ sở Thông báo kết luận phiên chất vấn, Thường trực HĐND giao các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tiến hành giám sát việc thực hiện "lời hứa" sau chất vấn. Có thể kết hợp với giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tiến hành giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn; báo cáo kết quả giám sát với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp không giám sát thì đề nghị UBND báo cáo việc chỉ đạo thực hiện "lời hứa", "cam kết" chất vấn và báo cáo tại kỳ họp HĐND.
Như vậy, trách nhiệm của người được chất vấn được nâng lên, vấn đề chất vấn được giải quyết kịp thời và Đại biểu HĐND sẽ thực hiện tốt quyền chất vấn, thể hiện được năng lực và trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri góp phần nâng cao vị thế của người đại biểu dân cử trong cơ cấu quyền lực nhà nước hiện nay. Đồng thời, hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND sẽ ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn, từ đó góp phần xây dựng các mặt toàn diện kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị cơ sở sẽ ngày vững mạnh hơn.
THƯỜNG TRỰC HĐND THỊ TRẤN
Ý kiến bạn đọc