Thực hiện chương trình giám sát năm 2023, vào lúc 14 giờ ngày 15/9/2023, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện Tân Biên đã tiến hành giám sát UBND huyện về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Ông Trần Văn Lộc - Phó Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn giám sát; tham gia buổi giám sát có Trưởng, Phó 2 Ban HĐND huyện, đại diện lãnh đạo UBMTTQVN huyện, lãnh đạo UBND huyện cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Quang cảnh buổi giám sát
Trước khi giám sát trực tiếp UBND huyện, từ ngày 23/8 đến ngày 25/8/2023, Đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát 06 đơn vị: Hợp tác xã Xoài Tứ quý Thạnh Bắc, Dự án hỗ trợ liên kết trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP xã Trà Vong, Sản phẩm OCOP được xếp hạng Mít thái siêu sớm xã Tân Lập, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mỏ Công, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Tân Phong, Xí nghiệp thủy lợi Tân Biên.
Qua giám sát cho thấy, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện đã giúp doanh nghiệp, người dân trong phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai, hướng dẫn các tổ chức, người dân tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đúng quy định. Kết quả từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện đã được tỉnh hỗ trợ đầu tư 05 dự án hỗ trợ lãi vay theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của HĐND tỉnh với tổng diện tích 143 ha/tổng kinh phí hỗ trợ 4,999.4 triệu đồng và được cấp trên hỗ trợ kinh phí áp dụng quy trình VietGAP theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh cho 05 hộ sản xuất (04 hộ lĩnh vực trồng trọt, 01 hộ lĩnh vực chăn nuôi) với tổng số tiền 140.200.000 đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn, vướng mắc đã được các thành viên Đoàn giám sát đóng góp các ý kiến và chỉ ra tại buổi làm việc như: Công tác triển khai, tuyên truyền của cơ quan chuyên môn, một số xã về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa thường xuyên, chưa sâu rộng đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nên hiệu quả còn hạn chế. Việc đưa các chính sách vào cuộc sống còn chậm, hiệu quả chưa cao, số HTX, doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi từ các nghị quyết rất ít. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân còn hạn chế, chưa nhiều. Một số doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ vốn nhưng năng lực hạn chế, đầu ra sản phẩm không ổn định nên khó tiếp cận các chính sách. Việc duy trì và mở rộng quy trình VietGAP phát triển sản xuất chưa được nhiều tổ chức và người dân quan tâm, chỉ những tổ chức, cơ sở có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định và nguồn lực tài chính vững chắc mới đầu tư thực hiện, còn lại hầu hết chỉ đăng ký thực hiện 1, 2 lần khi có chính sách hỗ trợ và không duy trì sau khi kết thúc hỗ trợ. Việc hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Tây Ninh trên địa bàn huyện đến nay chưa thực hiện được…
Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Văn Lộc - Phó Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá cao những nỗ lực của UBND huyện trong thời gian qua, đồng thời đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, của tỉnh (Chính sách hỗ trợ lãi vay, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản; chính sách hỗ trợ đất trồng lúa) để các chính sách nhanh vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp rà soát có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các tổ chức, người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thuận lợi, hiệu quả hơn. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dựng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, hiện đại trong canh tác, tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản của địa phương, đề xuất sở, ngành tỉnh hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp của huyện ổn định, nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Cần kiểm tra, rà soát đánh giá đúng thực chất hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để có giải pháp củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã...
Nguyễn Vũ
Ý kiến bạn đọc