Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 10/12/2020 15:00560
Chiều ngày 09/12, Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Phiên chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: công tác điều hành, quản lý chi chuyển nguồn ngân sách; việc phát triển dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời và chất lượng quy hoạch chung cũng như những bất cập trong lập và thực hiện quy hoạch phân khu ở thành phố Tây Ninh.
Quang cảnh phiên chát vấn
Kiên quyết hơn trong xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư, các đơn vị được giao dự toán mà không thực hiện đúng tiến độ.
Giám đốc Sở Tài chính Văn Tiến Dũng mở đầu phiên chất vấn với nội dung: "Công tác điều hành, quản lý chi chuyển nguồn ngân sách còn hạn chế, số chi chuyển nguồn còn lớn và có xu hướng tăng qua các năm. Đề nghị ngành Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới để công tác điều hành, quản lý ngân sách trên địa bàn ngày càng hiệu quả?".
Giám đốc Sở Tài chính Văn Tiến Dũng trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi đặt ra, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước quy định về chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau, gồm: các khoản dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, các khoản đã tạm ứng trong dự toán, số dư tài khoản tiền gửi đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng. Các khoản tăng thu, tiết kiệm chi được sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm sau. Chi chuyển nguồn ngân sách năm 2019 sang năm 2020 là 2.792,4 tỷ đồng.
Theo phân tích của lãnh đạo Sở Tài chính, chi chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2016 đến năm 2019 đảm bảo theo đúng quy định. Trong điều hành ngân sách Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh những giải pháp điều hành tích cực, kiên quyết giảm dự toán chi đối với các nhiệm vụ chi chậm tiến độ thực hiện để dành nguồn bố trí cho các nhiệm vụ cần thiết khác; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị dự toán sử dụng nguồn ngân sách có hiệu quả. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương trình Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng ưu tiên dành nguồn cải cách tiền lương, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, ủy thác vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, đảm bảo chính sách an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh. Nguồn chi thường xuyên theo quy định từ năm 2016 đến 2019 có chuyển biến tích cực, giảm về tỷ trọng và cả về số tuyệt đối.
Về nguyên nhân để xảy ra chi chuyển nguồn năm sau có tăng hơn so năm trước, về khách quan là do chi chuyển nguồn vốn đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi chuyển nguồn do nguồn vốn đầu tư được bố trí hàng năm ngày càng tăng và theo quy định thì vốn tạm ứng và vốn được phép kéo dài thời gian giải ngân được phép chuyển nguồn sang năm sau. Nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương vào cuối năm hoặc trong thời gian chỉnh lý. Về nguyên nhân chủ quan, là do việc tham mưu quản lý và điều hành ngân sách năm 2016 và năm 2017 còn chưa kiên quyết trong việc tham mưu xét chuyển nguồn ngân sách. Việc rà soát, tổng hợp và tham mưu chi chuyển nguồn ngân sách sang năm sau còn chậm, trình cấp thẩm quyền nhiều lần. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị dự toán, sử dụng ngân sách chưa quan tâm sâu sát, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao kịp thời, dẫn đến số dư dự toán bị hủy hoặc nộp trả ngân sách. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cá nhân cụ thể.
Từ những phân tích đó, Giám đốc Sở Tài chính nêu giải pháp trong thời gian tới: Sở Tài chính, Phòng Tài chính-Kế hoạch thực hiện tốt công tác tham mưu UBND cùng cấp quản lý, điều hành tài chính ngân sách, đảm bảo theo đúng quy định; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị dự toán, sử dụng ngân sách trong việc thực hiện nhiệm vụ chi được giao. Kiên quyết tham mưu điều chỉnh giảm dự toán của các đơn vị sử dụng không hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ chi cần thiết khác của địa phương. Kịp thời xây dựng Phương án trình Thường trực HĐND cùng cấp điều chỉnh, sắp xếp cân đối nguồn ngân sách đảm bảo sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả và theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính-Kế hoạch thường xuyên phối hợp với Chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước theo dõi tiến độ giải ngân, thực hiện dự án; đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án được giao. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương còn dư, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh báo cáo và thường xuyên liên hệ Bộ, ngành Trung ương để xử lý dứt điểm...
Đại biểu Nguyễn Trọng Tấn chất vấn
Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Tài chính, các đại biểu nêu ý kiến tranh luận chủ yếu xoay quanh vấn đề nêu lý do đã chuyển nguồn đúng quy định nhưng lại không sử dụng hết nguồn, số vốn chuyển nguồn ngày càng tăng, hướng khắc phục…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tiếp thu các ý kiến và cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo chỉ chuyển nguồn những khoản đúng quy định, song song đó cũng sẽ có chế tài để điều hành sử dụng vốn hiệu quả nhất.
Kết luận chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành thu chi ngân sách, kịp thời triển khai nhiều biện pháp để tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là có nguồn kết dư để chi cho đầu tư phát triển. Trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Tài chính đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan đơn vị dự toán sử dụng nguồn ngân sách có hiệu quả; kiên quyết giảm một số nhiệm vụ chi chậm tiến độ thực hiện, dành nguồn bố trí cho các nhiệm vụ cấp thiết khác. Đồng thời cũng thực hiện chuyển nguồn một số khoản chi thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
"Qua chất vấn cho thấy, Sở Tài chính quan tâm khắc phục những tồn tại trong điều hành ngân sách, đặc biệt là chi chuyển nguồn đối với những nguồn, dù đúng quy định nhưng do nguyên nhân chủ quan của các đơn vị do không thực hiên tốt nhiệm vụ chi, có một số trường hợp không thực hiện tốt nhiệm vụ chi được giao, để đến cuối năm phải trả lại ngân sách. Một số nội dung để kéo dài nhiều năm, chậm xử lý hoặc xử lý không dứt điểm, tuy không nhiêu nhưng vẫn còn"- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Về các giải pháp đưa ra được chủ tọa và các đại biểu đồng ý. Riêng với đề xuất giải pháp của Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính cần quan tâm hơn đến việc theo dõi tình hình sử dụng ngân sách của các đơn vị được giao dự toán, kịp thời tham mưu UBND tỉnh có những biện pháp điều chuyển hợp lý các nguồn mà các đơn vị sử dụng không đúng tiến độ và theo dự toán, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; kiên quyết hơn trong xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư, các đơn vị được giao dự toán mà không thực hiện đúng dự toán phải chuyển trả lại ngân sách hoặc chuyển nguồn không đúng quy định; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chế tài, nhất là trong đánh giá trách nhiệm của các đơn vị có liên quan thực hiện không tốt nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển điện mặt trời nói chung
Trả lời câu hỏi: "Đề nghị cho biết chủ trương của UBND tỉnh về việc phát triển dự án điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp? Việc triển khai dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp nhưng không kết hợp với trang trại nông nghiệp có vi phạm quy định của pháp luật hay không? Xử lý những trường hợp này thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý?", Giám đốc sở Công thương Lê Anh Tuấn cho biết, nội dung này được hai Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời.
Giám đốc sở Công thương Lê Anh Tuấn trả lời chất vấn
Trước hết thống nhất về khái niệm hệ thống điện mặt trời mái nhà, việc tận dụng các mái nhà của các công trình xây dựng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là mục đích khác của công trình xây dựng không phải là mục đích chính phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Mục I, II Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Hiện nay, theo hướng dẫn tại văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà thì hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác được quy định trên cơ sở quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt... có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Để phù hợp với Quyết định số 13/QĐ-TTg, công trình xây dựng trang trại phải có mái. Mái nhà của trang trại chăn nuôi, trồng trọt... cần phù hợp với công năng, loại hình trang trại.
Việc triển khai dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp nhưng không kết hợp với trang trại nông nghiệp là chưa đúng quy định. Theo thống nhất tại biên bản số 1694/BB-SCT của Sở Công Thương, các trường hợp, các dự án nông nghiệp không xuyên suốt đảm bảo mục tiêu ban đầu đề ra trong quá trình thực hiện dự án theo các ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn mà chỉ tập trung vào việc lắp đặt hệ thống điện mái nhà thì phải thực hiện các thủ tục chuyển sang công trình năng lượng.
Các dự án nông nghiệp không đảm bảo mục tiêu ban đầu đề ra mà chỉ tập trung vào việc lắp đặt hệ thống điện mái nhà là dựa vào cơ chế khuyến khích của Quyết định số 13/QĐ-TTg. Việc thực hiện các dự án nông nghiệp liên quan đến đất đai và mục tiêu ban đầu của dự án, do đó thẩm quyền xử lý thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Hải Sơn chất vấn
Đại biểu Phan Thị Điệp chất vấn
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm về một số vấn đề liên quan đến các nội dung chất vấn
Các đại biểu đề nghị người đứng đầu ngành Công thương làm rõ hơn, thực trạng các dự án nông nghiệp kết hợp năng lượng điện mặt trời; giải pháp nào để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; việc gắn các thiết bị điện năng lượng có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không; hướng xử lý tấm quang điện khi hết hạn sử dụng; kiểm soát giá bán điện.
Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm cho đại biểu tại phiên họp, đến ngày 25.11 đã có 3.938 vị trí với công suất 872 MW, trong đó đối với trung áp có 926 vị trí, đối với hạ áp là 3.002 vị trí với công suất là 52,79 MW. Hiện nay, điện lực đã đồng ý đấu nối 3.469 vị trí với công suất 433 MW và đã từ chối 241 dự án, do hiện nay công suất của các trạm và đường dây quá tải. Hiện nay, điện lực đang phối hợp với các chủ đầu tư khảo sát các vị trí để tiếp tục thực hiện các bước để đấu nối. Còn quy trình đấu nối và hình thức bán điện phải thực hiện theo đúng Thông tư 18 của Bộ công thương hướng dẫn là phải đăng ký, khảo sát và thỏa thuận về hợp đồng, giá cả, rồi mới tiến hành đầu tư, nghiệm thu, làm hợp đồng, lắp các thiệt bị liên quan để tiếp hành áp giá.
Các vấn đề khác cũng đã được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời, làm rõ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận nội dung này, cho rằng các vấn đề đặt ra đã được lãnh đạo các sở, ngành trả lời tương đối cụ thể, đúng trọng tâm đối với những vấn đề được đặt ra. Đồng thời các lãnh đạo cũng đã đề ra các giải pháp, định hướng để xử lý những tồn tại cũng như tăng cường quản lý nhà nươc trong thời gian tới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điện năng lượng mặt trời nói chung trong đó có điện áp mái kết hợp với trang trại nông nghiệp nói riêng nhằm mục đích khai thác các nguồn năng lượng sach, tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống góp phần chống biến đổi khí hậu là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước khuyến khích, có cơ chế khuyến khích để triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh được đánh giá là có tiềm năng khá tốt về năng lượng mặt trời do đó nhu cầu đầu tư của người dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn và tất yếu. Tuy nhiên do đây là vấn đề mới, các văn bản hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời đầy đủ dù thời gian gần đây, UBND tỉnh có chỉ đạo các ngành, địa phương, tăng cường công tác quản lý, ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn để phát triển loại hình năng lượng này. Việc kiểm tra giám sát tổ chức thực hiện của cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp chưa kịp thời đồng bộ nên trên thực tế đã phát sinh một số vấn đề bất cập như các đại biểu đã nêu, trong đó, nổi lên là việc đầu tư chưa đúng với mục đích dự án, trách nhiệm thẩm quyền và phối hợp quản lý nhà nước, nhất là về thủ tục đầu tư, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt một số giải pháp. Cụ thể, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển điện mặt trời nói chung, trong đó có mô hình dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái; cần làm rõ trách nhiệm thẩm quyền quản lý nhà nước của các ngành, các cấp; những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, quản lý đất đai xây dựng, bảo vệ môi trường. Đối với các công trình đầu tư đã thực hiện xong, ngành cần tiến hành rà soát phân loại có phương án xử lý những trường hợp đầu tư không đúng với quy định, mục đích, quy mô đầu tư đảm bảo việc thực hiện đúng quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà nước. tiếp tục quản lý việc cho chủ trương đầu tư đối với các dự án nông nghiệp có kết hợp làm điện áp mái trong thời gian tới đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra các dự án trong quá trình triển khai đảm bảo đúng mục đích đầu tư đề ra; tiếp tục phân công, tạo điều kiện thuận lợi và có giải pháp phù hợp nhằm giúp cho các chủ đầu tư triển khai có hiệu quả các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp với dự án nông nghiệp theo đúng tinh thần hướng dẫn số 13 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung; quy hoạch kế hoạch sử dụng các loại đất phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Do thời gian các đại biểu tranh luận hai nhóm vấn đề quá nhiều nên nội dung chất vấn về chất lượng quy hoạch chung cũng như những bất cập trong việc lập và thực hiện quy hoạch phân khu ở thành phố Tây Ninh, lãnh đạo Sở Xây dựng sẽ trả lời bằng văn bản.
Nội dung chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn, được xã hội quan tâm, nội dung chất vấn có trọng tâm
Đó là đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm - Chủ tọa kỳ họp khi nhận xét về phiên chất vấn. Với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, các nội dung chất vấn và trả lời chất vốn đã cơ bản hoàn thành.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận phiên chất vấn
Tại phiên chất vấn, thủ trưởng các sở, ngành, lãnh dạo UBND tỉnh đã trực tiếp trả lời, giải trình các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND và hầu hết những nội dung chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn, trong công tác điều hành quản lý nhà nước, những vấn đề được xã hội quan tâm, nội dung chất vấn có trọng tâm. Lãnh đạo các sở, ngành, UBND tỉnh khi trả lời đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cơ bản làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra, nội dung trả lời chất vấn khá rõ.
Các lãnh đạo đã đi thẳng vào câu hỏi, nhìn nhận trách nhiệm của ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đồng thời cũng nêu ra được các giải pháp cơ bản khắc phục những vướng mắc, khó khăn bất cập trên lĩnh vực do mình phụ trách.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tinh thần nghiêm túc chất vấn gọn, rõ ràng, bám sát vào các nhóm vấn đề đã được nêu, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm, thẳng thắn chỉ ra nhưng hạn chế tồn tại, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, các giải pháp khắc phục đối với các sở, ngành.
Qua chất vấn cho thấy, những nội dung, vấn đề được HĐND lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cư tri, dư luận quan tâm,
"Sau chất vấn, đề nghị các sở, ngành được chất vấn và lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục trả lời những nội dung mà trong phiên làm việc hôm nay chưa thể trả lời, làm rõ và được chủ tọa cho phép trả lời bằng văn bản; tiếp thu ý kiến của các đại biểu để có những giải pháp cụ thể, thiết thực thực hiện các vấn đề đã được cử tri và đại biểu quan tâm nêu ra" - Chủ tọa đề nghị.
Chủ tọa cũng đề nghị đại biểu HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND, các tổ đại biểu và cử tri tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện của các ngành chức năng để các ý kiến của đại biểu, tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà sớm trở thành hiện thực.
XV