Đừng để kiến nghị của cử tri “đi đường vòng”

Thứ năm - 18/05/2017 16:00 9 0

Đừng để kiến nghị của cử tri “đi đường vòng”

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV cho thấy, nhiều vấn đề đã được giải quyết hoặc đưa ra được các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tại phiên họp chiều 16.5, các Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, cần chỉ rõ vấn đề nào đang xem xét giải quyết, đã giải quyết, đang giải quyết và còn phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết, và mấu chốt là, đừng để kiến nghị của cử tri phải đi đường vòng.

100% kiến nghị đã được trả lời

Theo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV của Ban Dân nguyện thì 100% các kiến nghị của cử tri đều đã được trả lời. Đây là điều đáng mừng, nhất là khi, số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành tại Kỳ họp thứ 2 là rất lớn, lên tới 3.119 kiến nghị (trong khi, tại Kỳ họp thứ Nhất, con số này chỉ là 856 kiến nghị). Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trả lời đầy đủ kiến nghị của cử tri. Nhiều vấn đề đã được xử lý hoặc đưa ra được các giải pháp phù hợp với thực tiễn, được cử tri đồng tình. Điển hình như việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn và những vi phạm trong bán hàng đa cấp hay việc tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn giải đáp thông tin cho phụ huynh và học sinh về công tác tuyển sinh, về lộ trình thay đổi hình thức tuyển sinh và khẳng định các phương án thi cử sẽ được ổn định vào năm 2020…


Cử tri phát biểu ý kiến kiến nghị tại một cuộc TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: vinhphuc.gov.vn

Sự nỗ lực, quan tâm chỉ đạo việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri của QH, các cơ quan của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng mong đợi của cử tri, thể hiện trách nhiệm chính trị trước cử tri và nhân dân cả nước. Nhấn mạnh điều này, song, một số Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý, thông tin về việc giải quyết kiến nghị của cử tri hiện vẫn đang một chiều. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, mặc dù chúng ta đã trả lời 100% kiến nghị của cử tri, nhưng văn bản trả lời đã đến tận tay cử tri chưa? Phản hồi của cử tri đối với các văn bản này như thế nào? Cử tri có thấy thỏa đáng hay không? Đây là thông tin mà chúng ta còn thiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt lưu ý, chỉ có khoảng 20% kiến nghị của cử tri là ở cấp Trung ương, còn lại 80% kiến nghị thuộc trách nhiệm của địa phương. Những kiến nghị liên quan đến Trung ương đều đã được tổng hợp, gửi đến các cấp, các bộ, ngành cùng xem xét, giải quyết và có báo cáo lại với người dân. Nhưng mấu chốt là ở cấp cơ sở, những vấn đề về an sinh xã hội, vấn đề phát sinh trên thực tế địa phương chưa được giải quyết triệt để, gây nên bức xúc. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt đề nghị, nếu kiến nghị của cử tri đối với địa phương cứ lặp đi, lặp lại và là vấn đề lớn thì Ban Dân nguyện phải tổng hợp và kiến nghị giám sát. Làm đến nơi, đến chốn thì cử tri, nhân dân cả nước sẽ rất đồng tình. Đừng để kiến nghị của cử tri phải đi vòng vo. Hoặc bản chất vụ việc thế này, lại báo cáo cấp trên khác đi, làm biến dạng vấn đề, thì không được.

 Một số bộ còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết xong như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (32), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (20), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (17), Ủy ban Dân tộc (8)… Đặc biệt, có những kiến nghị mà cử tri kiến nghị từ Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII (tháng 10.2014) tới nay vẫn chưa được giải quyết và cũng không có báo cáo gì thêm với cử tri về việc có tiếp tục giải quyết nữa hay không.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV

Phải thuyết phục hơn

Cũng theo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có 133 kiến nghị tồn đọng. Song con số này đã thật chuẩn xác hay chưa cũng là vấn đề được các Ủy viên UBTVQH quan tâm thảo luận.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ban Dân nguyện cần phân tích rõ, trong 133 kiến nghị này, có vấn đề gì thuộc về cơ chế, chính sách và cần phải sửa đổi pháp luật. Ví dụ trong 17 kiến nghị chưa giải quyết xong của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có kiến nghị nâng mức trợ cấp cho các đối tượng người có công. Vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có thể trả lời theo hướng, hiện nay chính sách trợ cấp người có công đang được thực hiện theo quy định nào, và hàng năm căn cứ tốc độ tăng trưởng GDP chẳng hạn thì Chính phủ sẽ điều chỉnh mức trợ cấp... Đó chính là trả lời kịp thời, chứ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không có thẩm quyền điều chỉnh, nâng mức trợ cấp.

Hay tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng tăng. Đúng là có thực trạng này. Đây là vấn đề có thể trả lời kịp thời, nhưng không thể giải quyết tận gốc ngay được. Bởi không có Chính phủ nào dám khẳng định đến thời điểm nào sẽ giải quyết được hết tình trạng thất nghiệp... Chúng ta cần phân tích cả nội dung kiến nghị của cử tri để thấy Chính phủ cũng đã rất cố gắng, trong vòng 7 ngày, đều đã trả lời kiến nghị cho cử tri. Những vấn đề thuộc về pháp luật, đòi hỏi phải sửa luật hay những vấn đề thuộc về thực trạng kinh tế - xã hội, chưa thể giải quyết trong 1 - 2 năm thì phải phân tích sâu sắc hơn, từ đó chỉ rõ kiến nghị nào đang xem xét, đã giải quyết, đang giải quyết và còn phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Với cách làm và phân tích như vậy, Báo cáo sẽ có sức sống hơn và thực sự thuyết phục hơn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Anh Thảo

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay11,259
  • Tháng hiện tại46,717
  • Tổng lượt truy cập2,532,586
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây