Đánh giá cao những phiên chất vấn và trả lời chất vấn được công khai, truyền hình trực tiếp là rất cần thiết, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu cần nắm bắt thông tin của cử tri, bà Trần Thái Linh, Tập đoàn Thái Bình Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Các vị “Tư lệnh” ngành đã có một buổi trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm các câu hỏi của Quốc hội, có những câu trả lời về cơ bản thỏa mãn yêu cầu của Quốc hội và cử tri cả nước.
Thông qua phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cử tri có được cái nhìn tổng quát và thông tin chính thống về ngành ngân hàng và phần nào hiểu rõ hơn về những vấn đề đang nóng hổi như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang là bao nhiêu, có ở mức báo động, nguy kịch không?
Tuy nhiên, có việc thì Thống đốc Ngân hàng trả lời còn chung chung.
Cụ thể như việc mới đây nhất là hạ lãi suất và mở rộng phạm vi cho vay nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất như hiện nay. Bởi ngân hàng vẫn cương quyết nói không với những doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. “Bao giờ các doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất cho vay 12% mà không bị vấn nạn chạy cửa sau?", bà Linh đặt câu hỏi.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Thái, Tổng Giám đốc Công ty GBEC_JSC (Hà Nội), Thống đốc cũng đã thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại trong công tác điều hành như cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước còn chưa kịp đổi mới, chưa theo kịp xu hướng quốc tế; hiệu quả hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cao, việc cho phép mở nhiều tổ chức tín dụng đã dẫn đến hoạt động quản lý kém hiệu quả…
“Thống đốc chưa đưa ra được biện pháp cụ thể để giải quyết”, ông Thái chia sẻ.
Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Bí thư chi bộ Khu phố 3, Đại biểu HĐND phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) nói: Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, rõ ràng, sát với tình hình thực tế ở các địa phương về những vấn đề mà cử tri quan tâm, như tăng cường công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; thực hiện các biện pháp hạn chế lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam; đề xuất các cơ chế bảo đảm quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bỏ trốn.
“Từ trả lời của Bộ trưởng, các tỉnh có thể xem xét để điều chỉnh về công tác quản lý chuyên ngành về các vấn đề thiếu sót chung”, ông Phúc nêu ý kiến.
Từ góc độ chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Về quản lý lao động là người nước ngoài tại Thái Nguyên mặc dù ngành Lao động –Thương binh và Xã hội đã có nhiều cố gắng song vẫn còn nhiều hạn chế như ý kiến Bộ trưởng đã nêu. Các nguyên nhân của tình trạng trên tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của đồng chí Bộ trưởng”.
Điều mà ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Bí thư chi bộ Khu phố 3, Đại biểu HĐND phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) quan tâm và tâm đắc nhất trong phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ là người đứng đầu ngành thanh tra đã thừa nhận thực tế việc kê khai tài sản của cán bộ công chức còn mang tính hình thức đó là bản kê khai chỉ có tính chất “Hồ sơ lưu trú” chưa phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
“Đây là vấn đề cần được đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi những vấn đề bất cập trong việc kê khai tài sản của cán bộ công chức; phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới có hiệu quả hơn”. Ông Phúc nói.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Duy Lương, nguyên Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên, các vị “Tư lệnh” ngành đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, phần nào trả lời được những bức xúc của người dân và các ngành có liên quan. Công khai, minh bạch được công việc của ngành mình quản lý. Các trả lời tương đối rõ vì đều có số liệu, dẫn chứng, minh họa.
![]() |
3 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
“Tôi chưa thấy thỏa mãn với phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ. Không chỉ riêng cá nhân tôi, mà rất nhiều cử tri muốn được nghe nhiều hơn nữa những câu trả lời cụ thể đối với những vấn đề đang được nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi…”, ông Lương nói.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thúy Ngân, giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương cho rằng, thời gian qua Cơ quan Thanh tra đã nỗ lực cố gắng trong việc rà soát và giải quyết các vụ việc, đặc biệt đối với những vụ việc tồn đọng kéo dài, phức tạp... Việc ra kết luận nội hàm giải quyết nội dung vụ việc ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật, Thanh tra Chính phủ cần tỏ rõ trước cấp cơ sở về sự nghiêm minh mà Thanh tra Chính phủ đã và đang thực thi.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc