Cuối năm 2016, Thường trực HĐND tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban Biên tập Chương trình Tiếng nói cử tri gồm các thành viên là lãnh đạo, chuyên viên, phóng viên của hai cơ quan là Văn phòng HĐND tỉnh và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Biên tập đã thực hiện được 24 chương trình Tiếng nói cử tri phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, trong đó, đã phản ánh được nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm như: những vấn đề về an toàn giao thông; an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng; bất cập trong cấp giấy chức nhận quyền sử dụng đất; vấn đề ô nhiễm môi trường; và nhiều vấn đề dân sinh khác.
Họp Ban Biên tập chương trình Tiếng nói cử tri định kỳ hàng tháng
Trong số các chương trình đã phát sóng, có thể kể đến một số chương trình đã phản ánh được những vấn đề bức xúc của cử tri, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được, điển hình những vấn đề như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng thửa, lộn thửa với hai chương trình “Những hệ lụy gây khó khăn cho người dân” và “Trách nhiệm và xử lý của ngành chức năng”. Tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sai thửa, lộn thửa, trùng thửa trên địa bàn tỉnh rất nhiều, đặc biệt tại huyện Tân Biên chiếm khoảng 40% trong tổng số GCNQSDĐ trên địa bàn. Do đó, chương trình tập trung phản ánh những khó khăn của người dân khi GCNQSDĐ bị trùng thửa, lộn thửa; công tác xử lý, giải pháp khắc phục của ngành chức năng.
Chương trình “Nỗi khổ sau cái điện kế” với việc phản ánh thực trạng cung cấp điện chất lượng kém và hệ thống cơ sở hạ tầng điện chưa đảm bảo kỹ thuật ở các xã vùng nông thôn (đường điện yếu, các trụ điện cũ, cây tạm bợ, dây điện cũ, chằng chịt, móc vào hàng rào nhà dân,...). Đây là nỗi lo thường trực của người dân nhiều nơi về vấn đề an toàn điện.
Đặc biệt, với chương trình “Ai bức tử suối Tà Ôn Tà Ly, Bến Cửu Long?” đã phản ánh khá chi tiết tình trạng Suối Tà Ôn Tà Ly (hợp với Suối Ngô đổ ra bến Cửu Long, là thượng nguồn lòng Hồ Dầu Tiếng) gần 10 năm qua bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, tổn hại đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của người dân khu vực Bến Cửu Long thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Cung cấp thêm thông tin cho cử tri về công tác kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường của ngành chức năng, và đề xuất giải pháp ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần rút giấy phép hoạt động đối với nhà máy vi phạm nhiều lần và không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng quy định, để đảm bảo an toàn nguồn nước thượng nguồn Hồ Dầu Tiếng.
Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát tại suối Tà Ôn (BTN)
Bên cạnh đó, còn có những chương trình phản ánh những vấn đề ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người dân như: “Hiểm họa từ những nắp cống sụp” phản ánh tình trạng những đường cống, mương nước bị hở, nắp cống bị sụp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và các hộ dân sinh sống tại một số khu vực trên tuyến quốc lộ 22, sự mong muốn của người dân đối với cơ quan chức năng là cần tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống thoát nước trên các tuyến đường; nhanh chóng gia cố và sửa chữa các miệng cống, hố ga, mương nước bị hở nắp ở những khu vực đông người qua lại để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.
Ngoài ra, những vấn đề dân sinh cũng được quan tâm phản ánh như “Nước sạch cho dân vùng nông thôn - Giải pháp nào hiệu quả?”, chương trình phản ánh tình trạng nước bị nhiễm phèn nặng tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, người dân không sử dụng được, phải hứng nước mưa để sử dụng dần, thiếu nước thì phải mua từ nơi khác hoặc phải lọc theo cách thủ công để sử dụng; phản ánh tình trạng quá tải của các trạm cung cấp nước sạch trên địa bàn xã và mong muốn của người dân về việc có đủ nước sạch để sử dụng.
Nhìn chung, chương trình đã thực hiện được sứ mệnh của mình, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân đến các ngành, các cấp; phản ánh được nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, được người dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Đồng thời, chương trình còn là kênh thông tin để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của nhà nước, những thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phản ánh những vấn đề được ngành chức năng tiếp thu, khắc phục giúp làm tăng niềm tin của cử tri đối với chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện có thể nhận thấy, hiệu quả chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số chương trình mang tính bức xúc hiện chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, việc trả lời phỏng vấn của các sở, ngành chưa đi sâu vào biện pháp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sau khi chương trình phát sóng, nhiều vấn đề đặt ra chưa được các ngành, địa phương tăng cường biện pháp giải quyết, nên chưa có chuyển biến rõ rệt.
Định hướng trong thời gian tới, chương trình sẽ tập trung tuyên truyền, phản ánh những thành tựu, những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; những vấn đề nổi lên qua giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình còn chú trọng phản ánh những ý kiến, kiến nghị bức xúc qua tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, qua chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh; những vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm; những vấn đề bức xúc, phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả chương trình, Ban Biên tập đã đề ra nhiều giải pháp như: triển khai thực hiện giới thiệu demo chương trình, thay đổi hình hiệu chương trình; tổ chức khảo sát lại các nội dung đã phát sóng để có thông tin về việc xử lý, khắc phục của ngành chức năng về các vấn đề đã phản ánh; theo dõi, rà soát kết quả thực hiện của ngành chức năng đối với những vấn đề được phản ánh trong các chương trình đã phát sóng để có biện pháp giải quyết đối với những vấn đề bức xúc, kéo dài.
NM