Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Giảm các phòng cũng không giảm được biên chế

Thứ tư - 15/03/2017 19:00 9 0

Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Giảm các phòng cũng không giảm được biên chế

Thực tế, giảm các phòng cũng không giảm được biên chế, mà còn tác động không nhỏ đến tâm tư, trách nhiệm, động lực phấn đấu và hiệu quả công việc của cán bộ, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh. Vì vậy, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai ĐINH DUY VƯỢT: Bộ Nội vụ cần tiếp tục lấy ý kiến và lắng nghe HĐND các tỉnh, thành phản ánh, kiến nghị để sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 48, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng các quy định của pháp luật.

Không giảm được biên chế

- Một trong những lý do chính lý giải việc quá thu gọn các đầu mối chuyên môn của Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo Nghị định 48 là việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ông nghĩ sao về vấn đề này?


Những bất cập Nghị định 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được lãnh đạo tỉnh Gia Lai báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của các bộ, ngành, Trung ương, trong đó có đồng chí Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia lai ngày 17.12.2016. Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng giao cho “Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách 
Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, các luật và nghị định liên quan đều quy định tăng thêm và mở rộng quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND theo Hiến pháp 2013. Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và dân chủ ngày càng được mở rộng… Chính vì vậy, việc quá thu gọn các đầu mối chuyên môn của Văn phòng HĐND cấp tỉnh chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, chưa phù hợp với thực tiễn và mong muốn của nhân dân là tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND các cấp.

Thực tế hiện nay, giảm các phòng cũng không giảm được biên chế nào, có chăng giảm được chút phụ cấp chức vụ. Tuy nhiên, điều đó lại tác động không nhỏ đến tâm tư, trách nhiệm, động lực phấn đấu, hiệu quả công việc và sẽ tạo hiệu ứng lâu dài đến các chuyên viên, công chức khác. Bên cạnh đó, phải thường xuyên phối hợp làm việc với lãnh đạo phòng của các sở, ngành UBND tỉnh, liệu có tự tin khi vị thế chỉ là chuyên viên? Qua thực tiễn hoạt động, HĐND nhiều tỉnh, thành đánh giá Nghị định 48 có vẻ như bước thụt lùi so với Nghị quyết 545 của UBTVQH trước đây, cần có sự điều chỉnh kịp thời.

- Về mô hình tổ chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, hầu hết ý kiến cho rằng, việc có các phòng tham mưu chuyên môn là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề này hoàn toàn khoa học và đúng thực tiễn trong hệ thống chính trị của nước ta. Như tôi đề cập phần trên thì nhiều luật, nghị định có quy định nhiệm vụ của HĐND thẩm tra, quyết định, giám sát… yêu cầu phải có chuyên môn sâu như lĩnh vực quy hoạch, kinh tế tài chính, đầu tư xây dựng… đòi hỏi bộ phận tham mưu, giúp việc cũng phải am hiểu sâu, sắc bén, giúp HĐND có quyết sách hiệu quả, hiệu lực tuân thủ pháp luật và không bị xem thường. Chính vì vậy, điều kiện cần và đủ phải có các phòng tham mưu chuyên môn thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của HĐND, vấn đề này cũng đã được minh chứng qua hoạt động thực tiễn của HĐND nhiệm kỳ qua. Hiện nay sáp nhập chỉ còn 2 phòng, do đó nhiều lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu cũng đang lúng túng trong tham mưu và chỉ đạo như: Quyết định chủ trương đầu tư công, quyết định danh mục các dự án thu hồi đất, công tác tham mưu, theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…


Một buổi họp báo tuyên truyền cho kỳ họp HĐND của Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai
Ảnh: P.Duy

Nên thành lập 3 phòng

- Ông nghĩ như thế nào về việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định 48 trong thời điểm hiện nay?

- Chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối là đúng đắn, là yêu cầu bức thiết hiện nay, đúng với đòi hỏi từ thực tiễn đã và đang triển khai hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, HĐND các cấp cũng nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, quá thu gọn đầu mối các phòng chuyên môn của Văn phòng HĐND tỉnh là không khoa học, không phù hợp với thực tiễn dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của HĐND.

Tôi được tham dự Hội thảo toàn quốc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức. Nhiều ý kiến của đại biểu đại diện Thường trực, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh tâm huyết, trách nhiệm, có chiều sâu, nhiều kinh nghiệm về hoạt động cơ quan dân cử đã được Bộ Nội vụ lắng nghe, hứa tiếp thu. Theo đó, Văn phòng HĐND cấp tỉnh sẽ có các phòng chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ các ban, tương xứng với các phòng của sở, ban, ngành UBND tỉnh. Từ Hội thảo trở về, các đại biểu thật sự hồ hởi, cả cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh đều phấn khởi, kỳ vọng với thông tin tốt đẹp này. Tuy nhiên, Nghị định 48 ban hành đã làm tắt bao hy vọng, chính vì vậy việc tổ chức thực hiện đã gặp phải nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, việc kiến nghị sửa đổi là cần thiết, để phù hợp thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND đúng với quy định của pháp luật và mong đợi của nhân dân. 

Mặt khác, quá trình thực hiện nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tức là không thực hiện đúng những quy định của pháp luật, các hoạt động của HĐND bị ách tắc, bó buộc, kém hiệu quả, hiệu lực. Cũng chính từ yêu cầu bức thiết này, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cũng dễ nảy sinh sự “linh hoạt” lập thêm phòng chuyên môn như nhiệm kỳ trước, dẫn đến không thống nhất giữa các tỉnh, thành. Mà thực tế hiện nay, một số tỉnh vẫn còn giữ nguyên số phòng như Nghị quyết 545 của UBTVQH. Không thể bỏ Phòng Thông tin - Dân nguyện, vì phòng này phần nào đã nói lên trách nhiệm, nội hàm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, do đó rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

- Về nội dung sửa đổi cụ thể, ý kiến của ông như thế nào?

- Xuất phát từ yêu cầu bức thiết hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh; đồng thời phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, tôi mong muốn Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến và lắng nghe HĐND các tỉnh, thành phản ánh, kiến nghị về vấn đề này để sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 48, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn và đúng các quy định của pháp luật. Theo tôi, Văn phòng HĐND cấp tỉnh nên thành lập 3 phòng: Pháp chế - Dân nguyện; Kinh tế - Xã hội và Tổ chức Hành chính Quản trị. Mỗi phòng có 1 Trưởng và không quá 2 Phó Trưởng phòng. Do tính độc lập tương đối của các ban, nhiệm vụ tổng hợp chung có thể giao cho Phòng KT - XH.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN PHƯƠNG thực hiện

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay15,129
  • Tháng hiện tại262,693
  • Tổng lượt truy cập2,482,787
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây