Ba nguyên tắc phải được tuân thủ
Ngoài hai nguyên tắc “cứng”, phổ quát là, Đảng lãnh đạo và tập trung dân chủ thì ba nguyên tắc sau đây cũng phải luôn luôn được tuân thủ.
Một là, nguyên tắc trực thuộc quản lý. Bản chất của nguyên tắc này là các đối tượng trực thuộc quản lý chỉ gồm những số lượng vừa đủ, đúng với chức năng, nhiệm vụ. Đó là số lượng đơn vị cấp dưới; số lượng cán bộ, nhân viên cần thiết. Nếu thêm chức năng, nhiệm vụ không phù hợp, thêm số đơn vị trực thuộc, thêm số lượng cán bộ không cần thiết thì hiệu quả của quản lý, hiệu lực của bộ máy sẽ bị giảm sút. Ngược lại, nếu chức năng, nhiệm vụ đã được xác định chính xác nhưng cơ cấu bộ máy, cán bộ lại không hoàn chỉnh thì hoạt động của bộ máy sẽ lâm vào tình trạng luôn luôn đuối sức, hụt hơi.
Hai là, nguyên tắc tối ưu hóa các khâu, các tầng nấc trong bộ máy. Bản chất của nguyên tắc này là, sự cần thiết khách quan phải xác định đúng đắn, chính xác cần có bao nhiêu cấp quản lý để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ (thiếu thì công việc sẽ bị đứt gãy, thừa thì sẽ sinh ra trung gian, rỗi rãi, hoạt động trùng chéo).
Ba là, nguyên tắc kết hợp đúng đắn giữa quyền hạn và trách nhiệm: Bản chất của nguyên tắc này là, khi xác định chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức hay cho ra đời một chức danh (chức vụ) mới thì phải có đủ các thành tố là quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm. Xin lưu ý là, nguyên tắc này rất hay bị vi phạm (rất nhiều tổ chức và rất nhiều lãnh đạo chỉ quan tâm một chiều là mở rộng quyền hạn mà “quên khuấy đi” trách nhiệm của chính mình).
![]() Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo thông báo thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh |
Ảnh: Lê Hùng |
Tổ chức phải tương thích với nhiệm vụ
Tránh cách làm máy móc HĐND tỉnh, thành phố đã có chiều dài lịch sử từ Hiến pháp năm 1946 nhưng Văn phòng HĐND thì 70 năm sau mới được tổ chức thành cơ quan độc lập. Dù mới được hình thành nhưng vẫn phải đảm nhiệm một khối lượng công việc đồ sộ, vì thế theo các nguyên tắc đã trình bày, bộ máy Văn phòng cũng phải được cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, đủ sức hoàn thành có chất lượng công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ. Cũng cần nói thêm rằng, cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, giảm nhẹ biên chế, nhưng vấn đề cốt lõi là phải làm hết toàn bộ khối lượng công việc với chất lượng cao. Nếu chỉ nhăm nhăm giảm đầu mối, giảm biên chế mà công việc ùn tắc lại không ai làm, thì đó là cách làm máy móc dẫn đến nguy cơ rệu rã toàn bộ bộ máy. |
Từ những cứ liệu nói trên, ta có thể xem xét mô hình Văn phòng HĐND cấp tỉnh trên các phương diện chủ yếu sau:
So với nhiều quốc gia liên bang thì HĐND cấp tỉnh của Việt Nam tương tự như Nghị viện tiểu bang của các nước đó, chỉ khác là không trực tiếp xây dựng Hiến pháp, luật mà chỉ đóng góp ý kiến. Nghị viện tiểu bang của các nước liên bang (như CHLB Đức) có bộ máy giúp việc rất hoàn chỉnh (vì họ đã có kinh nghiệm hàng trăm năm). Còn Văn phòng HĐND cấp tỉnh ở nước ta về danh chính ngôn thuận nay mới hình thành (đi sau có thể tham khảo những gì hợp lý).
HĐND của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước nhiệm kỳ này đều có từ 85 - 105 đại biểu. So sánh có thể không thật hợp lý và không thật chính xác, nhưng nếu Đoàn ĐBQH ở nhiều tỉnh, thành chỉ có trên dưới 10 đại biểu mà Văn phòng của Đoàn đã được tổ chức, kiện toàn tương đối hoàn chỉnh, chắc chắn thì HĐND với trên dưới cả trăm đại biểu, không thể không tổ chức cho tương thích với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc và phục vụ cho HĐND và cả trăm đại biểu dân cử.
Nói về chức năng, nhiệm vụ, Nghị định số 48 đã xác định Văn phòng HĐND cấp tỉnh có 18 quyền hạn, nhiệm vụ. Nhưng nghiên cứu, so sánh kỹ hơn một chút sẽ nảy sinh cảm giác những quyền hạn, nhiệm vụ đó chưa thật gắn kết chặt chẽ với những nội dung cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được quy định tại Điều 19 và Điều 40 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 mà Văn phòng phải tham mưu, giúp việc và phục vụ. Điều 19 quy định HĐND tỉnh (nông thôn) có 9 nhiệm vụ, quyền hạn. Điều 40 quy định HĐND thành phố trực thuộc Trung ương, chính là Điều 19 cộng thêm 4 quyền hạn, nhiệm vụ đặc thù của thành phố.
Phương pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là nhằm bảo đảm cho HĐND phải bao quát toàn bộ hoạt động xã hội trên một địa bàn (lãnh thổ) cấp tỉnh (theo chức năng, quyền hạn của HĐND), do đó Văn phòng HĐND cũng phải phục vụ mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đó. Điều 19 được cụ thể hóa thành 36 nhiệm vụ, quyền hạn đối với HĐND tỉnh và Điều 40 là 40 nhiệm vụ, quyền hạn đối với HĐND thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, bao hàm từ bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật đến xây dựng chính quyền... cho đến văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh, đến bảo vệ môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường sống.
Còn phương pháp quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh trong Nghị quyết số 48 là quy định theo đầu việc có tính chất hành chính của Văn phòng (giúp giải quyết đơn thư, giúp giao ban, giúp giữ mối quan hệ, ký văn bản...). Như vậy, cách quán triệt khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và quan niệm khác nhau về công việc của Văn phòng HĐND ắt sẽ tạo nên hình hài bộ máy khác nhau. Phải quán triệt đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và nhiệm vụ tham mưu, phục vụ, giúp việc của Văn phòng cho thật chuẩn xác thì mới tổ chức bộ máy Văn phòng được hợp lý. Nói theo nguyên tắc thì mọi nhiệm vụ của HĐND khi thực hiện đều do Văn phòng HĐND tham mưu, phục vụ. Do đó, phải có bộ máy đủ sức gánh vác được nhiệm vụ. Bộ máy này làm việc liên tục, không theo nhiệm kỳ như HĐND và đại biểu dân cử.
Thay cho lời kết
Từ các căn cứ nói trên, mô hình bộ máy Văn phòng HĐND cấp tỉnh trước mắt chỉ nên có hai cấp là cấp Văn phòng và cấp phòng làm việc theo phương pháp chỉ đạo trực tiếp. Về cơ cấu, nên hình thành các phòng theo khối chuyên môn, nghiệp vụ, công việc. Theo chuyên môn, nghiệp vụ có thể phân chia: Khối kinh tế - tài chính (trong đó có ngân sách); văn hóa - xã hội; dân tộc thiểu số (ở tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc thiểu số); khối pháp chế; khối hành chính, quản trị và tổ chức. Các khối phục vụ ứng với các ban chuyên môn của HĐND (trừ hành chính, quản trị, tổ chức). Các tỉnh, thành phố lớn do địa bàn rộng, dân số đông (từ 2,5 triệu người trở lên), khối lượng công việc nhiều... có thể có phòng tổng hợp (theo nghĩa tập trung các đầu mối công việc, chứ không phải khó phân định thì cho vào một “rọ”).
Để tham mưu được, người tham mưu phải có trí tuệ, hiểu biết chuyên sâu và có bề dày kinh nghiệm. Theo đó, lãnh đạo Văn phòng và cán bộ các phòng chuyên môn, nghiệp vụ đều phải được đào tạo bài bản, có hệ thống và phải từng trải các công việc, có vốn sống, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú với tinh thần trách nhiệm cao.
Ý kiến bạn đọc