Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Tây Ninh: Nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Thứ ba - 30/05/2017 22:00 17 0

Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Tây Ninh: Nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, việc đầu tư phát triển khai thác, phát huy các tài nguyên thiên nhiên còn chưa hiệu quả

Điều kiện thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú

Tài nguyên thiên nhiên Tây Ninh phong phú, đa dạng, gắn với các địa danh nổi tiếng trong khu vực miền Đông Nam bộ như: núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, sông Vàm Cỏ Đông, Tòa Thánh Cao Đài, hệ thống các chùa ở núi Bà Đen, các di tích lịch sử cách mạng căn cứ Trung ương cục Miền Nam, Bời Lời; chiến khu Dương Minh Châu; địa đạo An Thới, Lợi Thuận,….

Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú đó, Tây Ninh có khả năng khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội, du lịch thể thao và mạo hiểm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo…

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là các tuyến đường chính kết nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ khách tham quan, du lịch; nâng cấp, trùng tu, tôn tạo các Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát,... 

Ngoài ra, hoạt động xã hội hóa đầu tư du lịch cũng được đẩy mạnh; một số dự án do các doanh nghiệp tư nhân đã được triển khai và đưa vào hoạt động, như: Trung tâm Thương mại Giải trí Cà Na, Khu Du lịch Long Điền Sơn, khách sạn Sunrise, siêu thị CoopMart, siêu thị Auchan… tạo điều kiện phát triển các hoạt động du lịch ngày càng tốt hơn. 

Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và số lượng du khách tăng trưởng hàng năm khá ổn định; đã từng bước hình thành một số điểm du lịch mới bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách như Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Đảo Nhím, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh,…

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, việc đầu tư phát triển khai thác, phát huy các tài nguyên thiên nhiên còn chưa hiệu quả. 

Các tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch như du lịch tín ngưỡng (Tòa Thánh Tây Ninh), du lịch về nguồn (Trung ương cục miền Nam), du lịch sinh thái (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông, du lịch miệt vườn kết hợp đơn ca tài tử,…), du lịch ẩm thực (điểm mua sắm tại chợ Long Hoa, Trạm dừng chân tại Trảng Bàng, làng nghề bánh tráng Trảng Bàng,…) vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác hiệu quả. 

Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú, thiếu các dịch vụ hỗ trợ du lịch để thu hút và giữ chân khách du lịch; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi thu hút, đầu tư vào lĩnh vực du lịch; hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch như: nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân,... 

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch và cung ứng các dịch vụ du lịch (dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, quà lưu niệm…) còn ít, quy mô nhỏ, chất lượng phục vụ thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu liên kết trong hợp tác kinh doanh; các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn ít; chưa có những chương trình, sự kiện mang tính chuyên đề về du lịch quy mô lớn. 

Ngoài những hạn chế nêu trên thì công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch như vai trò điều phối của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch chưa tích cực; thiếu phối hợp giữa các ngành chức năng với UBND cấp huyện; tính chủ động, sáng tạo của ngành, địa phương trong định hướng phát triển các hoạt động du lịch chưa cao; thiếu sự hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp từ phía của các cơ quan quản lý nhà nước,...

Cần tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Do đó, để phát triển du lịch, cần phải tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Theo đó, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình theo quy hoạch nhất là tại Khu du lịch núi Bà Đen, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối giữa các điểm, khu du lịch trên địa bàn; sớm hình thành các tuyến đường thủy kết nối Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn. 

Tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch, giới thiệu du lịch Tây Ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chuyên trang về du lịch trên các báo chuyên đề du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương (du lịch tâm linh, du lịch về nguồn); xây dựng các loại hình, mô hình dịch vụ, sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo phù hợp với đặc điểm của địa phương. 

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý về du lịch, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý du lịch; thành lập Hiệp hội du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ với nhau trong kinh doanh du lịch.

Với tinh thần, ý chí quyết tâm của các cấp chính quyền, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể; sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và của cộng đồng dân cư, trong tương lai du lịch Tây Ninh ngày càng phát triển và các sản phẩm du lịch của Tây Ninh sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Liêu Hoàng Tuấn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay4,423
  • Tháng hiện tại109,413
  • Tổng lượt truy cập2,595,282
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây