Chiều ngày 25/01, Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do bà Phan Thị Điệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì có buổi khảo sát làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Ninh là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, vì vậy việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện mức độ đóng góp của nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao khoảng 11,2% trong giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Tính đến ngày 01/01/2018, tổng số công chức, viên chức hiện đang công tác tại Sở và 10 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở là 338 người. Trong đó, trình độ chuyên môn Thạc sỹ chiếm 6,21%; Đại học chiếm 70,41%; Cao đẳng chiếm 0,30%; Trung cấp chiếm 20,08%; còn lại là sơ cấp. Số công chức đang công tác tại Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế thành phố là 44 người, trong đó Thạc sỹ chiếm 15,9%, Đại học chiếm 77,3% và Trung cấp chiếm 6,8%.
Ở cấp xã, có 183 công chức cấp xã phụ trách Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (không có công chức chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp), hầu hết có trình độ trung cấp trở lên. Ngoài ra mỗi xã còn có 01 chức danh người hoạt động không chuyên trách về Kế hoạch - giao thông - thủy lợi, nông, lâm có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao, phần lớn công chức, viên chức có ý thức tự học tập nâng cao, chuẩn hóa trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều trường hợp chưa thật sự chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, có lúc, có nơi việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự gắn với sử dụng, bố trí, quy hoạch cán bộ; một bộ phận công chức, viên chức ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ; một số có tư tưởng an phận, thích ổn định, ngại thay đổi; một số địa phương mặc dù cán bộ có trình độ đại học nhưng năng lực quản lý về nông nghiệp còn rất hạn chế.
Về lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có khoảng hơn 234 ngàn người, chiếm khoảng 33% lao động toàn tỉnh, trong đó lao động qua đào tạo chiếm khoảng 59%. Trong số nhân lực được đào tạo, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 18,3%; trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 46,5%; trình độ trung cấp chiếm khoảng 19%; trình độ cao đẳng khoảng 9%; trình độ đại học và trên đại học khoảng 7,2 %. Nhìn chung, chất lượng lao động trong nông nghiệp ở Tây Ninh chưa cao, đa phần số lao động trực tiếp làm nông nghiệp, được đào tạo qua trường lớp không nhiều so với các ngành khác. Không được thường xuyên cập nhật chuyên môn nhất là kỹ thuật sản xuất tiên tiến dẫn đến việc tiếp cận, vận dụng các quy trình sản xuất hiện đại, các kiến thức khoa học mới còn hạn chế.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tính đến ngày 31/12/2017, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp là 27.330 người (bình quân 3.904 người/năm). Trong đó, số lao động đã học xong có chứng chỉ nghề: 27.178 người (đạt 99% so với số người học), số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 21.779 người (đạt 80% so với tổng số lao động đã học xong có chứng chỉ nghề).
Qua khảo sát, Đoàn công tác đề nghị ngành làm rõ thêm một số vấn đề như: thực trạng cán bộ, công chức, viên chức của ngành có trình độ chuyên môn ngành nông nghiệp, việc đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công tác sắp xếp cơ cấu tổ chức của ngành theo Nghị quyết Trung ương 6; đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dự báo nhu cầu lao động lĩnh vực nông nghiệp và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Đoàn công tác khảo sát Công ty bò sữa Vinamilk
Trước đó, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh; 06 Hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 02 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp là Công ty bò sữa Vinamilk tại xã Long Khánh (Bến Cầu) và Công ty Hưng Thịnh đóng trên địa bàn xã Ninh Điền (Châu Thành) để nắm tình hình thực tế về nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp thuộc các đơn vị này.
NM