Tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tại Điều 94 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Thông qua hoạt động này đại biểu có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri nơi mình được bầu ra để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương,…
Trong thời gian qua, tuy hoạt động tiếp xúc cử tri đã có nhiều thay đổi với mong muốn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn, tuy nhiên, vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét, một bộ phận cử tri không “mặn mà” với các buổi tiếp xúc, số lượng cử tri tham dự ít, hiệu quả cuộc tiếp xúc mang lại không cao.
Qua thực tiễn tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp huyện, xã cho thấy, việc nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri là hết sức cần thiết và phải làm ngay. Muốn làm được điều đó, công tác tuyên truyền đến người dân phải được thúc đẩy hơn nữa, để người dân hiểu, ý thức được quyền lợi của mình thông qua việc tiếp xúc cử tri. Thường trực HĐND cần phối hợp với UBND, UBMTTQVN cùng cấp và các ban, ngành ở ấp, khu phố như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tuyên truyền cho người dân biết việc tham dự tiếp xúc cử tri là cơ hội để trình bày những nguyện vọng của mình đối với tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống thường ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình và làng xóm, ở đó những vấn đề này sẽ được lắng nghe, xem xét và giải quyết.
Khi có kế hoạch tiếp xúc cử tri, UBND cùng cấp cần có sự chủ động trong việc phân công các ngành chuyên môn tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc, tùy vào từng địa bàn mà có sự phân công cho phù hợp, với những địa phương thường có những kiến nghị, bức xúc liên quan đến lĩnh vực nào thì phân công ngành đó dự và phải là cấp trưởng dự, không phân công cấp phó đi thay để trả lời tại chỗ những kiến nghị của cử tri liên quan đến ngành mình phụ trách. Các ngành chức năng khi tham dự tiếp xúc cử tri tùy theo chức năng, nhiệm vụ cần khẳng định cho được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề và một yếu tố hết sức quan trọng cần lưu ý đó là thời gian giải quyết. Không trả lời chung chung, hứa hẹn làm mất lòng tin của cử tri.
Đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri, sau khi nhận được bản tổng hợp các kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND, UBND cần chỉ đạo quyết liệt, chốt mốc thời gian giải quyết cho các ngành, để các ngành có sự chủ động, tham mưu giải quyết dứt điểm, không để kiến nghị tồn đọng.
Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri đó là HĐND phải thường xuyên giám sát việc giải quyết các kiến nghị này thông qua nhiều kênh khác nhau, mỗi đại biểu đều phải tham gia vào hoạt động này ngoài ra các Ban HĐND, Thường trực HĐND cũng phải có kế hoạch khảo sát, giám sát chuyên đề riêng để thúc đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tránh việc cử tri kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết.
Tiếp xúc cử tri tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành
Và cuối cùng là sau khi có kết quả giải quyết cần phải gửi đến các địa phương đã có kiến nghị để cử tri được biết. Từ trước đến nay, đại biểu chỉ báo cáo kết quả trả lời kiến nghị cử tri tại các buổi tiếp xúc vì vậy có những kiến nghị đã được giải quyết nhưng cử tri không nắm do trước kỳ họp tiếp xúc ở xã này nhưng sau kỳ họp lại tiếp xúc ở một xã khác nên lại tiếp tục kiến nghị.
Hy vọng rằng với những kinh nghiệm được chia sẻ ở trên, trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc cùng với các cấp các ngành sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu sẽ chặt chẽ hơn, đáp ứng được kỳ vọng và niềm tin của cử tri vào người đại biểu dân cử, tích cực đóng góp ý kiến cho sự phát triển của địa phương./.
TN