Giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát bằng hình thức tổ chức phiên giải trình tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND Thị trấn Gò Dầu
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 26/10/2020 15:00260
Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương. Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình. Luật tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ra đời năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp lý về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đi vào nề nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. Theo đó, Luật đã quy định khá cụ thể về chủ thể, thẩm quyền, đối tượng và phương thức giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định cụ thể tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Một trong những thuận lợi của nhiệm kỳ này đó là, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Trong đó, quy định khá cụ thể về khái niệm giám sát, chất vấn, giải trình, phạm vi, thẩm quyền giám sát, các chủ thể và đối tượng giám sát, các quy trình, thủ tục cũng như các hình thức giám sát của HĐND… Đó là cơ sở để Thường trực, 02 Ban và đại biểu HĐND tại địa phương triển khai thực hiện.
Qua hoạt động của mình, Thường trực HĐND thị trấn Gò Dầu nhận thấy việc tổ chức phiên giải trình tại kỳ họp thường kỳ của Thường trực HĐND đạt được một số kết quả sau đây:
Về hình thức tổ chức chất vấn, giải trình, so với các quy định trước đây, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thị trấn nhiệm kỳ này có thêm hình thức giám sát mới, đó là: Tổ chức hoạt động giải trình, xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND thị trấn và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây là hình thức giám sát đã được thực hiện từ năm 2018 đến nay, căn cứ vào tình hình thực tế tại các kỳ họp thường lệ trong năm, Thường trực HĐND thị trấn đều nghiên cứu các vấn đề bức xúc của cử tri chưa được giải quyết và bố trí thời gian phù hợp để các đại biểu cùng Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện quyền chất vấn và giải trình của Chủ tịch UBND thị trấn và các ban, ngành có liên quan.
Để chuẩn bị cho phiên giải trình tại kỳ họp thường kỳ của Thường trực HĐND, Thường trực HĐND thị trấn có công văn đề nghị các đại biểu tại các khu phố đăng ký nội dung chất vấn gửi về Thường trực HĐND để tổng hợp cũng như các vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm đặt ra đối với UBND và tiến hành xây dựng Kế hoạch tổ chức phiên giải trình cùng Tờ trình yêu cầu Chủ tịch UBND thị trấn Gò Dầu giải trình các vấn đề mà Thường trực HĐND thị trấn Gò Dầu quan tâm đặt ra, trên cơ sở đó phân theo từng nhóm vấn đề để thuận tiện trong điều hành như các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như: xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; vệ sinh môi trường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thu ngân sách nhà nước; đơn thư, khiếu nại… Sau khi tổng hợp, phân loại, Thường trực HĐND có văn bản gửi đến Chủ tịch UBND thị trấn và các ban, ngành có liên quan; đồng thời, thống nhất thành phần, số lượng thủ trưởng đơn vị phải giải trình tại kỳ họp thường kỳ.
Quang cảnh hội nghị.
Tại kỳ họp thường kỳ, trên cơ sở các nội dung mà đại biểu đã đăng ký cũng như các vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm đặt ra đối với UBND, Thường trực HĐND đã tổng hợp, phân loại theo từng nhóm vấn đề, đồng thời, qua các báo cáo giám sát, khảo sát, thẩm tra của các Ban HĐND, báo cáo giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các sở, ban, ngành trước kỳ họp, các báo cáo khác của UBND tỉnh, của các cơ quan liên quan, Thường trực HĐND định hướng, gợi ý thêm cho các đại biểu. Đó là những vấn đề được phát hiện qua giám sát của Thường trực và các Ban, hoặc các vấn đề nổi lên đang được dư luận quan tâm, cử tri và công dân kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Thông qua việc báo cáo giải trình của các ngành liên quan tại phiên họp, Thường trực HĐND thị trấn đã thảo luận và đưa ra các kết luận xác đáng, đề nghị cơ quan có chức năng tiếp tục triển khai thực hiện và báo cáo Thường trực HĐND thị trấn theo thời hạn quy định. 02 Ban của HĐND thị trấn căn cứ thông báo kết luận sau phiên họp thường kỳ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện và báo cáo Thường trực HĐND thị trấn tại các phiên họp thường kỳ tiếp theo.
Thực tế cho thấy, từ khi Thường trực HĐND thị trấn tổ chức các hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND, UBND thị trấn và các cơ quan chuyên môn đã nắm bắt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn các vấn đề trong thực tiễn, giữa hai kỳ họp. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thị trấn và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đã kịp thời và hiệu quả hơn so với trước đây. 02 Ban của HĐND thị trấn tăng cường hơn trong việc tổ chức giám sát theo vụ việc, từ đó có những đề xuất quan trọng, kịp thời, giải quyết được nhiều vấn đề cần thiết cấp bách, điển hình như: việc xử lý nợ đọng trong việc thu thuế các hộ kinh doanh cá thể, các hộ chưa đăng ký khai báo thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xây dựng thị trấn Gò Dầu đạt chuẩn văn minh đô thị; việc xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn; việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ngày càng ổn định; tình hình thu ngân sách nhà nước đạt khá tốt...
Một số mặt còn hạn chế, khó khăn
Mặc dù đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhưng trong việc tổ chức giám sát tại phiên giải trình tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thị trấn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, đó là:
- Một số đại biểu HĐND tham gia phiên giải trình ít truy vấn trực tiếp tại phiên họp thường kỳ, tâm lý còn e ngại, nể nang; qua vài phiên giải trình cho thấy, cũng chỉ xuất hiện một số đại biểu quen thuộc. Bên cạnh đó, một số ý kiến truy vấn chưa được chuẩn bị chu đáo nên chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc tại địa phương; một số câu hỏi đơn thuần mang tính chất để nắm thông tin, chưa mang bản chất là câu hỏi truy vấn. Các vấn đề cần truy vấn nhiều nhưng thời gian giành cho phiên giải trình thường là một buổi nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả phiên giải trình.
- Trong việc giải trình tại phiên họp, vẫn còn một số trường hợp trả lời chưa đúng trọng tâm, còn vòng vo, né tránh hoặc đổ lỗi cho yếu tố khách quan, hoặc trả lời chung chung chưa đáp ứng được yêu cầu của người truy vấn.
- Hoạt động giải trình tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thị trấn chưa được tổ chức riêng theo chuyên đề (mang tính chuyên sâu) mà chỉ kết hợp vào phiên họp đánh giá kết quả công tác hàng tháng của Thường trực HĐND thị trấn; các nội dung bắt buộc giải trình chưa nhiều.
Một số giải pháp
Từ thực tế hoạt động của mình trong thời gian qua, theo chúng tôi, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát bằng hình thức tổ chức giải trình tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thị trấn, cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là, về công tác điều hành: Vai trò của người chủ trì đặc biệt quan trọng, nếu điều hành, dẫn dắt vấn đề tốt đại biểu HĐND như được khơi nguồn để thể hiện quan điểm và vững tin hơn khi truy vấn. Chủ tọa điều hành phải linh hoạt, cởi mở, đảm bảo dân chủ, khuyến khích được đại biểu truy vấn, tranh luận. Nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu bằng văn bản. Sau mỗi nội dung giải trình, Chủ tọa phải có kết luận cụ thể.
Hai là, về trách nhiệm của đại biểu: Cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình, thấy những vấn đề bức xúc, tiêu cực qua theo dõi, giám sát phải yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo, giải trình rõ. Cần tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.
Ba là, đối với cơ quan giải trình: Thủ trưởng các cơ quan giải trình phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc trả lời các vấn đề được yêu cầu giải trình cũng như các vấn đề truy vấn. Cách trả lời các vấn đề được yêu cầu giải trình chính là sự thể hiện năng lực quản lý, khả năng lãnh đạo trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Giải trình phải đi thẳng nội dung của câu hỏi, không vòng vo. Đối với những mặt còn tồn tại, hạn chế cần có thái độ cầu thị, lắng nghe, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra hướng giải quyết cụ thể, mang tính thuyết phục. Những vấn đề đã hứa trước HĐND, trước đại biểu thì cần phải tập trung thực hiện, giải quyết dứt điểm và báo cáo cho HĐND, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND.
Bốn là, cần chú trọng vấn đề "kết luận": Sau phiên giải trình, nếu không được tiếp tục theo dõi, giám sát những nội dung mà thủ trưởng UBND và các ban, ngành đã hứa, đã trả lời tại phiên giải trình thì không có cơ sở để đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động giám sát bằng hình thức giải trình. Do đó, sau phiên giải trình cần tiếp tục có kết luận bằng văn bản yêu cầu các ngành tiếp tục thực hiện các nội dung quan trọng mà đại biểu đã quan tâm đặt ra nhưng trả lời chưa thỏa đáng. Trên cơ sở đó, Thường trực phân công 02 Ban và đại biểu HĐND tiếp tục theo dõi giám sát đeo bám đến cùng sự việc cho đến khi có kết quả cụ thể. Có như vậy, hoạt động chất vấn, giải trình mới có hiệu quả thật sự, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, đồng thời nâng cao được lòng tin của cử tri đối với đại biểu và cơ quan nhà nước.
THƯỜNG TRỰC HĐND THỊ TRẤN