Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 22/10/2020 17:001180
Góp ý cho các dự án Luật trình Quốc hội thông qua, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo đại biểu Phương, biên giới là "phên dậu, bờ cõi" quốc gia, là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, mang tính chất sống còn đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Vì vậy, tại kỳ họp này Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới. Đây cũng là bước tư duy mới về hoạt động biên phòng nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.
Đại biểu Phương cho rằng, đại biểu đồng tình với tên gọi của dự thảo là Luật Biên phòng Việt Nam, việc lấy tên gọi này nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm của Đảng và Nhà nước ta, nhất là Nghị quyết 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, thể hiện bao quát những nguyên tắc trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia, trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà các văn bản pháp luật khác có liên quan hiện nay chưa điều chỉnh hoặc có nhưng chưa đầy đủ và thiếu toàn diện.
- Mặt khác, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thi hành pháp lệnh Bộ đội Biên phòng 20 năm qua; đồng thời, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời cũng sẽ đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tiễn trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng các công trình cho hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; phát huy vai trò to lớn của Nhân dân tại các điểm dân cư, cụm dân cư khu vực biên giới gắn bảo vệ biên giới quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại. Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đối ngoại biên phòng, giao lưu Nhân dân, đảm bảo ổn định đời sống cho cư dân biên giới; dân cư biên giới phát triển sẽ là lực lượng bảo vệ tốt nhất chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
- Song song đó, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời cũng sẽ góp phần khẳng định rõ, sâu hơn, đầy đủ hơn trách nhiệm thực thi nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị các cấp, của toàn dân; nhất là tạo cơ sở pháp lý cao hơn, đồng bộ hơn cho lực lượng chuyên trách hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10): dự thảo đã cơ bản quy định cụ thể lực lượng chủ trì, lực lượng tham gia phối hợp trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; cũng như thể hiện những nguyên tắc trong phối hợp; đồng thời quy định 6 nội dung phối hợp trong thực thi nhiệm vụ biên phòng tương đối hợp lý, đúng thẩm quyền, đại biểu cơ bản tán thành những quy định này.
Quang cảnh cuộc họp
- Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "nơi có biên giới quốc gia" sau cụm từ "cấp tỉnh"; và bổ sung cụm từ "giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở" trước cụm từ "khu vực biên giới" ở điểm a khoản 1. Lý do, xác định rõ chỉ có chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia và phù hợp với các điểm b, c, d khoản 1; nhằm để đồng nhất với khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng 2018 và khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia 2003. Cụ thể viết lại như sau: "a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới".
- Đề nghị bổ sung cụm từ "Hoạt động phối hợp phải đoàn kết, thống nhất, chủ động hỗ trợ lẫn nhau" sau cụm từ "theo quy định của pháp luật" ở điểm a khoản 2. Lý do, trong hoạt động phối hợp giữa các lực lượng cần phải đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ. Cụ thể sửa đổi như sau: "a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; hoạt động phối hợp phải đoàn kết, thống nhất, chủ động hỗ trợ lẫn nhau; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."
- Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một khoản quy định mang tính nguyên tắc chung về hình thức phối hợp, nhằm làm chặt chẽ hơn tính quy phạm của điều luật này; bởi lẻ trong thực tiễn có nhiều hình thức phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng rất phong phú và đa dạng.
Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 13), đại biểu Phương đề nghị bổ sung cụm từ "ngăn chặn, xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới" ở cuối khoản 5. Lý do, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật hiện hành về xây dựng Bộ đội biên phòng trong tình hình mới đều đã xác định Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ: "Kiểm soát nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới; ngăn chặn, xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới". Cụ thể sửa đổi như sau: "Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới; ngăn chặn, xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới".
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung ở khoản 6 như sau:"Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới; giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật." Lý do, để đảm bảo nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, quy định chặt chẽ về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong việc thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại quốc phòng.
- Đề nghị sửa đổi cụm từ "sắp xếp ổn định dân cư" thành cụm từ "tham mưu cho địa phương trong việc sắp xếp dân cư trên biên giới" ở khoản 11. Lý do, trên thực tế việc sắp xếp dân cư do chính quyền địa phương chủ trì và triển khai thực hiện sau khi lấy ý kiến của các ban ngành, lực lượng. Cụ thể sửa đổi như sau: "11. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham mưu cho địa phương trong việc sắp xếp dân cư trên biên giới, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.".
Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 34): Đề nghị bổ sung thêm điểm h vào khoản 2 sau điểm g, Điều 34 nội dung "Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về biên phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo quy định pháp luật". Lý do, để cho phù hợp với chức năng của chính quyền địa phương.
Tuyết Thư (lược ghi)