Sáng ngày 14/5/2025, Đoàn khảo sát số 1 của Hội đồng nhân dân tỉnh do bà Trương Thị Phương Thảo - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cho biết hiện toàn tỉnh có 131 trường mầm non, mẫu giáo (gồm 106 trường công lập và 25 trường tư thục), cùng 303 cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có 174 trường tiểu học, 101 trường trung học cơ sở (THCS) và 28 trường trung học phổ thông (THPT). Tổng số học sinh trên địa bàn đạt 236.199 em, bao gồm 37.096 học sinh mầm non, 93.320 học sinh tiểu học, 70.110 học sinh THCS và 35.673 học sinh THPT. Toàn ngành hiện có 12.378 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 891 cán bộ quản lý và 11.487 giáo viên; đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo từng cấp học, môn học, với 89,2% giáo viên đạt chuẩn và 18,9% trên chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn thiếu 351 giáo viên so với định mức.
Tính đến tháng 12/2024, Tây Ninh có 248/440 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 56,36%. Tỷ lệ trẻ đến trường tiếp tục tăng, trong đó trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đều đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,8%. Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, các trường mầm non, tiểu học và trung học đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng vẫn còn thiếu thiết bị chuyên dụng, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh THCS và THPT tham gia học nghề còn thấp do công tác tuyên truyền, hướng nghiệp chưa hiệu quả, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cùng với tâm lý xã hội vẫn ưu tiên lựa chọn đại học. Dù công tác hướng nghiệp đã được triển khai, nhưng vẫn thiếu cơ chế khuyến khích thiết thực cho học sinh học nghề. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phân luồng có cải thiện nhưng vẫn còn gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật.
Về giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở đào tạo nghề (gồm 11 cơ sở công lập và 6 ngoài công lập), chủ yếu tập trung tại thành phố Tây Ninh. Các đơn vị triển khai đào tạo đa cấp độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, với 113 ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ tốt nghiệp của hệ cao đẳng chỉ đạt 50,7% và trung cấp đạt 41,32%, do hạn chế trong chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tế, và áp lực kinh tế khiến nhiều học viên bỏ học giữa chừng.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát Hội đồng nhân dân tỉnh đã trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh nhiều nội dung trọng tâm nhằm làm rõ hơn tình hình thực tế trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Trong đó, Đoàn đề nghị Sở cung cấp cụ thể hơn số liệu giáo viên còn thiếu ở từng cấp học, qua đó có cơ sở xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực phù hợp. Đồng thời, Đoàn cũng quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết số 93/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 về chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên mầm non công lập giai đoạn 2025-2030, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến chủ trương miễn học phí cho học sinh các cấp cũng được đặt ra. Đoàn đề nghị ngành giáo dục sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định nhưng vẫn duy trì được nguồn lực tài chính cần thiết cho hoạt động dạy và học. Vấn đề năng lực vận hành các phòng học bộ môn sau khi được đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng được lưu ý. Đoàn khảo sát đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong khai thác, sử dụng thiết bị và yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đặc biệt là với các môn học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề nghị ngành giáo dục tiếp tục quan tâm hơn đến thực trạng thiếu giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học để thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực, góp phần đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận tri thức của học sinh trên toàn tỉnh.
Kết thúc buổi làm việc, bà Trương Thị Phương Thảo - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà ngành giáo dục và các đơn vị liên quan đang đối mặt trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quan tâm, rà soát toàn diện các vấn đề còn tồn tại, xây dựng các giải pháp cụ thể, kịp thời nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc đặc biệt, ngành cần chú trọng hơn đến công tác đầu tư và mua sắm trang thiết bị dạy học bảo đảm theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo đúng định hướng của Trung ương, đồng thời chú trọng huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng nền giáo dục địa phương phát triển toàn diện và bền vững.
Võ Nhung
Ý kiến bạn đọc