Chiều ngày 14/3/2025, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Đoàn giám sát do ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng dự có bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát, ông Huỳnh Thanh Phương – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy các cơ quan đảng tỉnh, ông Trần Hữu Hậu - Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Hồng Sơn – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống văn bản về lĩnh vực bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành cơ bản đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành kịp thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền, có tính khả thi, phù hợp thực tế. Các chính sách UBND tỉnh triển khai thực hiện đã đạt được các kết quả cụ thể như: kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt, không khí, môi trường đất cơ bản được đảm bảo; việc cấp phép môi trường, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định, thường xuyên; chất lượng môi trường không khí xung quanh của tỉnh tiếp tục duy trì ở mức tốt; đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh...
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy còn một số hạn chế như: hạ tầng xử lý nước thải tập trung chưa hoàn thiện; chưa có cơ chế để cơ quan chức năng kiểm soát, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy; tỷ lệ các đơn vị thuộc trường hợp phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu về tỉnh chưa đảm bảo; việc thu gom, xử lý rác thải y tế tại các trạm, trung tâm y tế cấp huyện, bệnh viện nguy hại chưa được đầu tư đúng mức; việc xử lý rác thải công nghiệp chưa được thu gom, tái chế đảm bảo, công nghệ xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp, rác thải sinh hoạt chưa được phân loại, thu gom xử lý theo đúng quy định của Luật...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái – Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh và các ngành chuyên môn rà soát tổng thể các quy định liên quan đến Luật bảo vệ môi trường, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo thẩm quyền; nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tạo được sự chuyển biến trong ý thức người dân, doanh nghiệp; kịp thời xử lý các điểm gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất xả thải không đạt tiêu chuẩn, nhất là các chất thải rắn như phế liệu, mủ cao su, chất thải y tế…; cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra, tạo cơ chế kiểm soát bắt buộc để để các hộ dân tham gia vào các hoạt động xử lý nước thải; sớm hoàn thành nhanh chóng hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các khu vực và các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt để kiểm soát nước thải và khí thải; tăng cường giám sát và kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp để đảm bảo tuân thủ quy định môi trường; rà soát, báo cáo bổ sung một số vấn đề còn bất cập liên quan đến các chính sách bảo vệ môi trường mà địa phương đang gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để Đoàn giám sát có đầy đủ cơ sở kiến nghị các ngành chức năng xem xét, giải quyết…
Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc