Kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri góp phần giải quyết kịp thời, thỏa đáng mong muốn, kỳ vọng của cử tri

Thứ sáu - 26/03/2021 17:00 383 0

Kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri góp phần giải quyết kịp thời, thỏa đáng mong muốn, kỳ vọng của cử tri

Trong những năm qua hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử trước cử tri.
Theo đó, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và chuẩn bị báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình Hội đồng nhân dân cùng cấp; Ủy ban nhân dân báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri,….Thực tiễn cho thấy, mặc dù phần lớn các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Ủy ban nhân dân các cấp, ngành quan tâm trả lời làm rõ hoặc tập trung chỉ đạo giải quyết có kết quả. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết một số kiến nghị của cử tri nhìn chung còn chậm, một số kiến nghị của cử tri được ghi nhận nhưng chậm triển khai thực hiện, còn có nội dung trả lời, giải quyết chưa thỏa đáng. Do vậy, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, thỏa đáng là mong muốn, kỳ vọng của cử tri. Đây là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Pháp chế đã tham mưu Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng và triển khai 10 đợt giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ (sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ 3, 4, 6, 9, 10, 12, 14, 17 và 19 HĐND tỉnh). Kết quả, số ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến Ủy ban nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ là 725 kiến nghị; 100% các ý kiến, kiến nghị ghi nhận được trả lời đầy đủ; kết quả giải quyết đạt tỷ lệ khá cao (trên 73%). Cụ thể, số kiến nghị cử tri đã trả lời làm rõ là 309 kiến nghị, kiến nghị đã giải quyết dứt điểm là 227 kiến nghị, kiến nghị đang tiếp tục xử lý 189 kiến nghị. Thông qua hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh cho thấy: Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri có sự chuyển biến tích cực hơn so với trước; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được nâng cao. UBND tỉnh đã phân công cụ thể từng sở, ngành, địa phương xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri; thủ trưởng các sở, ngành, địa phương nghiêm túc, sâu sát hơn trong việc giải quyết từng nội dung kiến nghị của cử tri; có đề ra phương án, lộ trình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nội dung trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng và bảo đảm thời gian theo yêu cầu; chất lượng của đa số các văn bản giải quyết, trả lời được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Việc đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri được quan tâm hơn; đối với các nội dung kiến nghị cử tri cần có thời gian để thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai để kịp thời thông báo kết quả giải quyết cho cử tri. Nhìn chung, việc giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nâng cao niềm tin của cử tri với đại biểu dân cử và các cấp chính quyền, góp phần tác động tích cực, đảm bảo ổn định an ninh - trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri nhiệm kỳ qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề ra những giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đó là: Một là: Ban Pháp chế chủ động tham mưu Thường trực HĐND tỉnh xây dựng, ban hành sớm kế hoạch giám sát giải quyết kiến nghị cử tri để Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức hữu quan có thời gian chuẩn bị nội dung báo cáo phục vụ cho hoạt động giám sát. Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị và tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri thường được triển khai trước các kỳ họp thường lệ Hội đồng nhân dân. Đây là thời điểm mà Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, các Ban HĐND và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải tập trung chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, nên việc triển khai sớm kế hoạch giám sát kiến nghị cử tri vừa thuận lợi cho Ủy ban nhân dân, đồng thời còn giúp cho các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND có thời gian rà soát, thẩm tra báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri trước khi tiến hành giám sát. Hai là: Kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát. Về phạm vi giám sát: Tại Khoản 3, Điều 90 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất… Thường trực HĐND báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương đã được gửi đến Hội đồng nhân dân tại kỳ họp trước". Theo quy định này, thì việc giám sát kiến nghị cử tri để phục vụ cho kỳ họp thường lệ chỉ cần tập trung vào việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp trước (Báo cáo trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thường lệ trước đó). Tuy nhiên, do sau kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân còn một đợt tiếp xúc cử tri và kiến nghị của cử tri cũng được tổng hợp gửi đến Ủy ban nhân dân để trả lời, giải quyết. Do vậy, phạm vi giám sát cần được mở rộng (bao gồm cả nội dung kiến nghị cử tri sau kỳ họp) để đảm kết quả giám sát toàn diện và đầy đủ hơn, không bỏ sót kiến nghị của cử tri. Ngoài ra, những kiến nghị cử tri còn tồn đọng (chưa được giải quyết) trong lần giám sát trước cũng cần được rà soát, tái giám sát để có cơ sở tổng hợp, thông báo kết quả cho cử tri.  Về nội dung giám sát: Cần thể hiện rõ nội dung yêu cầu báo cáo, trong đó yêu cầu Ủy ban nhân dân phải xác định rõ tổng số kiến nghị cử tri tiếp nhận trong kỳ, số kiến nghị đã trả lời làm rõ, số kiến nghị đã giải quyết dứt điểm, số kiến nghị cần có lộ trình, thời gian giải quyết (kèm theo là các phụ lục tương ứng). Xác định rõ yêu cầu này sẽ tránh được tình trạng báo cáo của Ủy ban nhân dân nêu nội dung chung chung, không cụ thể, không chỉ ra được những kiến nghị nào đã được trả lời thỏa đáng, đã được giải quyết xong, những kiến nghị đang được xem xét giải quyết và cần có lộ trình thực hiện. Thông qua đó giúp cho Thường trực HĐND có cơ sở xem xét, đánh giá nội dung trả lời, giải quyết của Ủy ban nhân dân. Ba là:  Phối hợp chặt chẽ trong việc tiến hành rà soát, khảo sát, có ý kiến trước khi tiến hành giám sát. Để chuẩn bị cho hoạt động giám sát, trước khi tiến hành giám sát, Ban Pháp chế tham mưu Thường trực HĐND chuyển nội dung báo cáo trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của Ủy ban nhân dân cho các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và Thường trực HĐND cấp dưới trực tiếp, đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức này tiến hành rà soát, khảo sát, có ý kiến về nội dung trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của Ủy ban nhân dân (theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách). Thực tiễn cho thấy, đây là khâu rất quan trọng của hoạt động giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Căn cứ vào báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND tiến hành rà soát, lựa chọn những kiến nghị giải quyết chưa thỏa đáng hoặc kiến nghị nhiều lần để tổ chức tiến hành khảo sát thực tế. Trong quá trình khảo sát, có thể mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nơi có kiến nghị cử tri tham gia để nắm bắt đúng hiện trạng thực tế kết quả đã giải quyết, trả lời. Qua rà soát, khảo sát, có văn bản gửi Thường trực HĐND, trong đó thể hiện sự thống nhất hoặc chưa thống nhất với nội dung trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của Ủy ban nhân dân, nêu rõ lý do đối với những nội dung chưa thống nhất, nội dung giải quyết, trả lời chưa thỏa đáng. Bốn là: Giao nhiệm vụ cho Ban của HĐND thực hiện việc thẩm tra báo cáo trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri. Ban Pháp chế được giao nhiệm vụ thẩm tra Báo cáo của Ủy ban nhân dân để phục vụ hoạt động gám sát của Thường trực HĐND. Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế được thực hiện trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp ý kiến từ các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và Thường trực HĐND cấp dưới trực tiếp. Nội dung báo cáo thẩm tra cần tổng hợp đầy đủ, nêu cụ thể những nội dung trả lời, giải quyết chưa thống nhất, nêu rõ lý do và đề nghị Ủy ban nhân dân có giải trình, bổ sung, làm rõ tại buổi giám sát để đi đến thống nhất (chủ yếu dựa vào kết quả rà soát, khảo sát của các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và Thường trực HĐND cấp dưới trực tiếp). Thẩm tra của Ban Pháp chế sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để các đại biểu trao đổi, thống nhất và là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận giám sát. Năm là: Xác định đúng thời điểm, lựa chọn thành phần mời tham gia giám sát. Sau đợt tiếp xúc cử tri, thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri ở kỳ tiếp xúc trước đã được thông báo đến cử tri, những ý kiến phản hồi từ phía cử tri cũng được các tổ đại biểu HĐND ghi nhận, đây là cơ sở quan trọng giúp các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND tiến hành rà soát, đánh giá kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả gửi Thường trực HĐND để phục vụ giám sát kiến nghị cử tri. Do vậy, thời điểm tổ chức giám sát kiến nghị cử tri nên thực hiện ngay sau khi kết thúc đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ của HĐND (không sớm hơn, cũng không nên quá muộn vì sẽ cận ngày họp HĐND). Để kết quả giám sát được đầy đủ và đảm bảo tính khách quan, ngoài thành viên Thường trực HĐND, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Pháp chế còn tham mưu mời các thành phần có liên quan đến nội dung giám sát, như: Đại diện UBMTTQVN, đại diện tổ đại biểu HĐND, lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có nội dung cử tri kiến nghị chậm giải quyết hoặc việc trả lời, giải quyết chưa thỏa đáng. Đại diện các cơ quan, tổ chức này sẽ trực tiếp tham dự để góp ý hoặc giải trình làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại buổi giám sát. Sáu là: Tập trung làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình giám sát. Trước khi tiến hành giám sát, Ban Pháp chế giúp Trưởng Đoàn giám sát hệ thống những vấn đề cần chú ý hoặc còn có ý kiến khác nhau, trong quá trình thảo luận người chủ trì giám sát sẽ gợi ý, nêu vấn đề để các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến, quan điểm của mình, trên cơ sở đó đi đến thống nhất trước khi kết luận, nhằm đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong quá trình giám sát. Ban Pháp chế HĐND tỉnh quyết tâm tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát kiến nghị của cử tri, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của cử tri, nâng cao niềm tin của cử tri với đại biểu dân cử và các cấp chính quyền, góp phần tác động tích cực, đảm bảo ổn định an ninh - trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngọc Cẩn  

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,559
  • Tháng hiện tại49,413
  • Tổng lượt truy cập1,930,944
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây