Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 24/09/2020 17:00470
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Trong đó, Luật quy định đại biểu HĐND là một chủ thể thực hiện giám sát có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và tham gia giám sát cùng tập thể HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND.
Đoàn giám sát HĐND huyện Tân Biên giám sát UBND huyện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Tân Biên
Trong những năm qua, đại biểu HĐND huyện Tân Biên tích cực thực hiện quyền giám sát của mình và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hơn 100 câu hỏi chất vấn yêu cầu các thành viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKS nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND trả lời tại phiên họp chất vấn và phiên giải trình, thông qua các hình thức giám sát, như: Xem xét báo cáo công tác của các cơ quan hữu quan, báo cáo của UBND về các vấn đề kinh tế, xã hội; Xem xét việc trả lời chất vấn; Xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; lấy phiếu tín nhiệm đối với người do HĐND bầu và tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND. Để đạt được kết quả này, Thường trực HĐND huyện đã quan tâm triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như:
Thứ nhất bố trí thời gian cho đại biểu tham gia hoạt động HĐND
Nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND huyện Tân Biên có gần 50% đại biểu mới tham gia đại biểu dân cử lần đầu và đa phần hoạt động kiêm nhiệm, nên kinh nghiệm hoạt động dân cử, đặc biệt là kinh nghiệm và thời gian giành cho hoạt động giám sát của đại biểu HĐND không nhiều. Vì vậy, Thường trực HĐND huyện đã yêu cầu các cơ quan nơi đại biểu công tác bố trí thời gian cho đại biểu tham gia hoạt động HĐND.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò giám sát của đại biểu HĐND
Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND huyện Tân Biên trong những năm qua luôn được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của pháp luật, của công cuộc đổi mới và mong mỏi của nhân dân; việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức chưa đầy đủ, thống nhất và đúng đắn về vai trò hoạt động giám sát của đại biểu HĐND huyện, số ít đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của đại biểu HĐND. Việc đổi mới nhận thức về vai trò giám sát của đại biểu HĐND có ý nghĩa hàng đầu trong số các phương hướng đổi mới hoạt động giám sát của đại biểu, vì vậy, trong thời gian qua Thường trực HĐND tập trung tổ chức giao ban, chất vấn, giải trình nhằm nâng cao nhận thức về vai trò giám sát của đại biểu HĐND, qua đó đã giúp nâng cao tỷ lệ giải quyết kiến nghị sau giám sát năm 2019 đạt trên 90%.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức giám sát
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cần phải đa dạng hóa các hình thức giám sát (giám sát tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp), như: Chất vấn; giải trình; yêu cầu cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả triển khai, thực hiện các chương trình, dự án và tình hình chấp hành pháp luật; nghe phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri... Việc yêu cầu báo cáo, giải trình tình hình triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, giúp đại biểu phát hiện những mặt còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, từ đó có kiến nghị các biện pháp giải quyết và khắc phục. Giám sát việc giải quyết một kiến nghị cụ thể giúp cho đại biểu tìm ra những sai sót, vi phạm trong việc giải quyết kiến nghị đó và yêu cầu cơ quan Nhà nước khắc phục đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước, công dân, đồng thời kiến nghị người có thẩm quyền xử lý người vi phạm (nếu có). Vì vậy, trong thời gian qua cùng với việc cử đại biểu HĐND tham gia các đoàn giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND huyện Tân Biên đã tạo điều kiện để đại biểu phát huy vai trò giám sát của mình thông qua việc đưa nội dung giải quyết kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn, giải trình và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vào chất vấn tại kỳ họp HĐND và giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, qua đó giúp đại biểu đánh giá một cách toàn diện, phát hiện và đề xuất được những giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát, chất vấn, giải trình và giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, qua đó thể hiện trách nhiệm của HĐND trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đại biểu đã đã kiến nghị và các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Thứ tư, cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu HĐND
Việc thu thập thông tin là khâu hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sự thành công của hoạt động giám sát. Mỗi đại biểu HĐND cần lắng nghe thông tin từ phía cử tri, phân tích, đánh giá tính chính xác của thông tin, đồng thời, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để xem xét vấn đề một cách toàn diện. Cũng trên cơ sở các thông tin đại biểu đã thu thập được, có thể lựa chọn những thông tin đang được dư luận và xã hội quan tâm, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc đa số cử tri quan tâm như: Chương trình, dự án, chính sách có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính, điện, đường... từ đó đề ra kiến nghị đúng quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, có căn cứ để chuẩn bị câu hỏi chất vấn, giải trình đối với thủ trưởng các cơ quan liên quan tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng; quy định về điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đại biểu HĐND không đồng nhất; việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chưa được quan tâm đúng mức; việc đặt câu hỏi chất vấn, giải trình chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện…..
Trong quá trình triển khai thực hiện, Thường trực HĐND huyện Tân Biên cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới:
Một là, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của đại biểu HĐND là do một số quy định về hoạt động giám sát còn chưa cụ thể, phù hợp với thực tiễn, như: chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục giám sát của Tổ đại biểu HĐND; quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên do kỳ họp HĐND diễn tra trong thời gian ngắn, vì vậy thời gian cho việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào Dự thảo nghị quyết hầu như không có. Trong khi, Luật chưa quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn cho phù hợp với thực tế; chưa quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của Đoàn giám sát.... do đó để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của giám sát, Thường trực HĐND huyện cho rằng cần quy định cụ thể về hoạt động giám sát và các chế tài giám sát; quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn.
Hai là: Để hoạt động giám sát của đại biểu đạt hiệu quả, trước hết thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát phải mang tính khách quan, khoa học, độc lập và kịp thời được xử lý từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND.
Ba là: Hoạt động giám sát hiện nay chủ yếu là do đại biểu chuyên trách thực hiện, vì vậy việc tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách là rất cần thiết, giúp HĐND nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bốn là: Cần có chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để động viên, kích lệ đại biểu chuyên trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Năm là: Nâng cao vai trò, chất lượng tham mưu của Văn phòng HĐND và UBND huyện trong tổ chức các hoạt động giám sát của đại biểu, tổ đại biểu HĐND huyện.
Thường trực HĐND huyện Tân Biên