Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 18/08/2022 16:00570
Trong 02 ngày 16, 17/8/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Đoàn giám sát “Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh”.
Đoàn giám sát do ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn; bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Tỉnh ủy viên Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát có ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, ĐBQH Trần Hữu Hậu; tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh cùng lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các Sở: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công an, Nội vụ.
Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế Phòng Chỉ huy điều hành - UBND tỉnh; Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế xã hội tập trung; Trung tâm Hành chính công và UBND phường 1. Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp đối với UBND thành phố Tây Ninh và Sở Thông tin và Truyền thông, xem xét báo cáo của UBND tỉnh và các huyện, thị xã: Trảng Bàng, Hòa Thành, Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu.
Qua khảo sát thực tế, giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo, Đoàn giám sát nhận thấy các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện tốt các văn bản của trung ương, nghị quyết của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và Sở Thông tin và truyền thông.
Đoàn giám sát làm việc với UBND thành phố Tây Ninh
Về hạ tầng công nghệ thông tin, toàn tỉnh đã được triển khai dự án Nâng cấp, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ tốt trong việc xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển chính quyền số. Các trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) được trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức, các bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ sử dụng cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, thực hiện cải cách hành chính. Hệ thống hội nghị trực tuyến, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được trang bị từ tỉnh xuống tới cấp xã; Cổng thông tin điện tử và các cổng thành phần duy trì hoạt động; dịch vụ công trực tuyến cũng đã tích hợp được 1.000/1.818 TTHC mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; các ứng dụng CNTT tại hệ thống một cửa điện tử cũng đã liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích và Cổng hành chính công trên Zalo. Các hệ thống phần mềm của tỉnh như một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, ứng dụng giao việc tức thời, nhắc việc thông minh đều được nâng cấp để tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường khả năng phục vụ cho người dân và trong công tác chuyên môn của cán bộ công chức.
Việc triển khai và mức độ ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử eGov, thực hiện chữ ký số đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tăng hiệu quả công việc (được triển khai đến 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã, 100% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử). Hệ thống Văn phòng điện tử đã được kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Đã triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp và đã thực hiện kiểm thử xâm nhập đối với toàn bộ hệ thống máy chủ và thiết bị tại trung tâm tích hợp dữ liệu. Công tác phát triển hạ tầng số, nền tảng số đã và đang triển khai thực hiện; các huyện, thị xã và thành phố cũng đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng với nhiều thành viên tham gia; Tỉnh cũng đã triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC), bước đầu mang lại hiệu quả.
Với kết quả đạt được, qua khảo sát, giám sát Đoàn giám cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể: Lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chưa xác định rõ trách nhiệm, gương mẫu trong việc thực hiện ứng dụng CNTT; công tác tuyên truyền, phổ biến ứng dụng CNTT chưa sâu rộng, hoạt động quản lý nhà nước của một số ngành chưa gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; Một số đơn vị chưa tích cực, chủ động khai thác, sử dụng hệ thống ứng dụng CNTT đã đầu tư. Nhiều cổng thông tin điện tử của các đơn vị vẫn duy trì hoạt động, thông tin hoạt động và tuyên truyền còn ít. Việc khai thác phần mềm quản lý văn bản chưa triệt để, vẫn còn sử dụng văn bản giấy trong quá trình điều hành. Vấn đề sử dụng chữ ký số công vụ một số cơ quan chưa sử dụng thường xuyên; Nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT trong toàn tỉnh chủ yếu kiêm nhiệm, một số cơ quan đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương; chưa có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút người giỏi về CNTT vào làm việc trong cơ quan nhà nước; một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ về công nghệ thông tin chuyển đổi chuyên môn công tác nên công tác tham mưu, đề xuất giải pháp ứng dụng và phát triển CNTT còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số còn ít; trình độ dân trí và mức thu nhập của người dân không đồng đều cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai xã hội số.
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh đã triển khai nhưng việc liên thông dữ liệu giữa các Bộ ngành trung ương và địa phương chưa được liên thông; dữ liệu đầu vào từ các ngành trong tỉnh chưa được cập nhật kịp thời; dẫn đến số liệu chưa có hoặc số liệu đã có trên hệ thống sai lệch so với số liệu thực tế.
Đoàn giám sát ghi nhận một số kiến nghị của các cơ quan, đơn vị. Sau giám sát Đoàn sẽ có kiến nghị đối với các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại UBND phường 1
Thanh Trung