Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 15/06/2022 01:00590
Sáng 13/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với mục đích sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này là nhằm thể chế hóa các quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, khắc phục được những bất cập, hạn chế qua hơn 11 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Đồng thời, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, chưa có cơ sở pháp lý để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân. Đại biểu Phương đề nghị cơ quan soạn thảo tách Chương VI về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thành một luật riêng biệt về lĩnh vực y học cổ truyền trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu chưa thể xây dựng luật riêng trong lúc này thì cần bổ sung, chỉnh sửa các nội dung Chương VI của dự thảo luật nhằm cụ thể hóa một cách đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về y học cổ truyền, đồng thời khắc phục những chồng chéo, bất cập hiện nay, tạo điều kiện khai thác hết tiềm năng, lợi thế rất phong phú, làm cho y học cổ truyền Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Theo đại biểu Phương, sự phát triển của y học cổ truyền gắn liền với lịch sử phát triển Việt Nam qua các thời kỳ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu, hiệu quả trong phòng và chữa bệnh. Đã có giai đoạn y học cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh với việc xây dựng được mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ trung ương đến địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có bệnh viện y học cổ truyền. Tuy nhiên, cũng có giai đoạn hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền bị suy yếu do ảnh hưởng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường mà ngành y tế cũng như một số ngành khác chưa chuyển đổi kịp vào những năm 1990. Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222 về phê duyệt chính sách quốc gia về y học cổ truyền đến năm 2010, văn bản này có tính định hướng phát triển tổng thể nền y học cổ truyền Việt Nam. Từ đây, nền y học cổ truyền Việt Nam đã có nhiều thành tựu khác biệt, được thể hiện trên các lĩnh vực như: Hệ thống quản lý nhà nước, hệ thống khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống nuôi trồng, sản xuất và cung ứng thuốc y học cổ truyền, kết quả khám, chữa bệnh, v.v..
Sự khác biệt trên gắn liền với sự thay đổi cơ chế, chính sách. Để tiếp tục phát huy được vai trò của y học cổ truyền trong thời kỳ mới, các cơ chế, chính sách hiện có cũng cần được thường xuyên rà soát, đánh giá và có điều chỉnh kịp thời, đáp ứng được lý luận nền tảng về sự phát triển của y học cổ truyền. Chỉ thị 24 ngày 4/7/2008 của Trung ương Đảng cũng nêu rõ "Việc phát triển nền Đông y là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam". Tuy nhiên, thực tế hiện nay, y học cổ truyền đang đứng trước nhiều khó khăn về mọi mặt, "lép vế" hơn hẳn so với y học hiện đại, chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa phát triển, thể hiện ở các điểm sau: Nhân lực trong công tác quản lý nhà nước thiếu cả ở trung ương và địa phương nên chưa thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực y học cổ truyền. Trong khi đó, lĩnh vực, đối tượng quản lý rộng và đa dạng, hệ thống quản lý về khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa hoàn thiện, còn 6 tỉnh chưa có bệnh viện y học cổ truyền, quy mô bệnh viện chưa phù hợp, đặc biệt là một số bệnh viện đã xuống cấp trầm trọng; công tác phát triển dược liệu còn mang tính tự phát, chất lượng dược liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, hệ thống cung ứng dược liệu và thuốc thành phẩm còn nhỏ lẻ; các cơ sở y học cổ truyền, kể cả trong công lập và ngoài công lập chưa được đầu tư hợp lý; hiện đại hóa y học cổ truyền chậm và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa; kinh phí dành cho phát triển y học cổ truyền còn hạn chế, các trường đại học y dược trong toàn quốc không nhận đào tạo chuyên khoa sơ bộ định hướng một số chuyên ngành y học cổ truyền hiện đại cho các đối tượng là Bác sĩ y học cổ truyền mà chỉ nhận đào tạo sau đại học đúng chuyên ngành y học cổ truyền cho bác sĩ y học cổ truyền nên chưa đáp ứng được nhu cầu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Công tác kế thừa, ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại nhìn chung chất lượng còn hạn chế, tiến độ nghiên cứu còn chậm, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng không cao.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân như là chưa có chính sách ưu tiên phát triển công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chưa tạo điều kiện cho người bệnh lựa chọn sử dụng dịch vụ khám bệnh bằng y học cổ truyền hoặc là y học hiện đại, nhiều chính sách y học cổ truyền hiện đang áp dụng cho y học hiện đại. Điều này gây ra sự khập khiễng và cản trở y học cổ truyền phát triển. Công tác nghiên cứu kế thừa chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách cho sở hữu trí tuệ, các nghiên cứu kế thừa giữa các cơ sở nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, phân bổ nhân lực, chính sách đãi ngộ cán bộ làm công tác y dược cổ truyền cũng chưa hợp lý. Nguồn tài chính đầu tư cho phát triển y học cổ truyền còn quá ít so với đầu tư hệ thống y tế nói chung. Nhưng nguyên nhân bao trùm là chưa có một chế định riêng biệt để điều chỉnh về lĩnh vực y học cổ truyền. Mặc dù hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y học cổ truyền và các văn bản khác có liên quan đều đã đề cập đến khía cạnh của y học cổ truyền. Tuy nhiên, vấn đề chỉ được quy định tản mạn, mỗi loại văn bản chỉ đề cập đến vài khía cạnh và việc áp dụng quy định của y học hiện đại đối với y học cổ truyền là hoàn toàn không hợp lý. Còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y học cổ truyền.
Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển, kế thừa và tiếp nhận những tinh hoa của nhân loại về y học cổ truyền, nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương kiến nghị cần thiết phải xem xét xây dựng và ban hành Luật về Y học cổ truyền để tập hợp giải quyết đầy đủ các vấn đề bất cập về y học cổ truyền, tạo hành lang pháp lý để y học cổ truyền phát triển đúng với lăng kính của mình.
Thanh Tâm (lược ghi)