Sáng ngày 28/11/2024, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với Ban Văn hoá - Xã hội, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự thảo nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trình kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh (kỳ họp cuối năm 2024). Hội nghị thẩm tra do bà Nguyễn Thị Yến Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách chủ trì.
Qua thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu và 11 nhiệm vụ trọng tâm, đến nay, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 12 chỉ tiêu xác định đạt vượt kế hoạch và 07 chỉ tiêu ước đạt bằng với kế hoạch. Trong số 12 chỉ tiêu xác định đạt vượt kế hoạch, đáng chú ý là GRDP tăng trưởng 7,5% so với năm 2023 (KH: 7% trở lên); thu NSNN trên địa bàn đạt 110,4% dự toán, tăng 6,5% so với cùng kỳ, với 09/09 huyện, thị xã, thành phố thu NSNN đạt trên 100% dự toán; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 10,7% so với cùng kỳ (KH: tăng 10%); Kim ngạch xuất khẩu vượt 2% so với KH; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,055% vượt KH đề ra; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt KH 95,8%.
Các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm đã được triển khai thực hiện, hoàn thành, trong đó: Đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1); ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch năm 2024; Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024, ban hành 16/17 quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành 03/04 nghị quyết quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; đã trình HĐND tỉnh thông qua Đề án phân loại đô thị thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng là đô thị loại III, thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045, đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045, thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỷ lệ 1/5.000; Du lịch thu hút khoảng 5,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch tăng 24,4% so cùng kỳ; các chỉ số PCI, PGI được cải thiện, Đề án 06 đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng trong chuyển đổi số; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, các lực lượng chức năng đã phối hợp triệt phá nhiều vụ mua bán ma túy với số lượng lớn; công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực.
Ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi thẩm tra
Bên cạnh kết quả đạt được, các Ban HĐND tỉnh đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn đối với 07 chỉ tiêu ước đạt so với kế hoạch năm 2024; 02 chỉ tiêu chưa đạt và ước không đạt (Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)); thu hút đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (kể cả Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), ước giải ngân đến hết ngày 31/11/2024 đạt 72,74% kế hoạch HĐND tỉnh giao, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm, một số dự án chuyển tiếp có số vốn lớn nhưng giải ngân chậm, một số dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng xây dựng hoặc các thủ tục về đất đai, nguồn vật liệu sỏi, đá cấp phối…; sản xuất nông nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn như giá vật tư đầu vào, tiền công lao động tăng, dẫn đến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định, phụ thuộc vào thương lái; công tác xây dựng và ban hành một số chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương và một số quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, một số nhiệm vụ trình theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm; các chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chưa đủ mạnh; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập có cải thiện nhưng chưa triệt để, công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế còn nhiều khó khăn và bất cập; các thiết chế văn hóa thể thao chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu người dân, công tác xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn; công tác cải cách hành chính chưa toàn diện, chuyển đổi số còn chậm; các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) chậm được cải thiện; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của một số sở, ngành địa phương có lúc, có việc còn chậm trễ, kéo dài; công tác phối hợp trong giải quyết công việc có nơi, có việc chưa tốt, chất lượng, hiệu quả chưa cao; tình hình tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tội phạm về trật tự xã hội, tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, số vụ cháy nổ, cháy rừng tăng so với cùng kỳ; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn nguy cơ diễn biến phức tạp.
Quang cảnh hội nghị
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các Ban HĐND tỉnh thống nhất nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị qua thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND tỉnh để hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh thông qua. Năm 2025 là năm cuối giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ, với kế hoạch năm 2025 đề ra như dự kiến, đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu Tỷ lệ đô thị hóa từ 50% trở lên (do chỉ tiêu này không có trong hệ thống chỉ tiêu chủ yếu hàng năm).
Ngoài ra tại buổi họp, Ban Kinh tế - Ngân sách còn xem xét, thẩm tra dự thảo nghị quyết Kế hoạch đầu tư công năm 2025; dự thảo nghị quyết dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2025; dự thảo nghị quyết phân bổ ngân sách địa phương năm 2025; dự thảo nghị quyết quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2023. Ban Kinh tế và Ngân sách cơ bản thống nhất với các nội dung trình của UBND tỉnh, đối với dự thảo nghị quyết Kế hoạch đầu tư công năm 2025, tại thời điểm thẩm tra, trong số các dự án khởi công mới đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn 03 dự án chưa có quyết định đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gồm: dự án Nâng cấp mở rộng hệ thống lưu trữ, sao lưu dữ liệu đảm bảo an toàn thông tin; dự án Chợ Long Hoa (Khu A-B); dự án Nghĩa trang Trường Hòa), đề nghị cơ quan trình hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công 2019 trước khi trình HĐND tỉnh thông qua, đồng thời, năm 2025 là năm cuối của giai đoạn 2021-2025, đề nghị cơ quan trình báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và so sánh với dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 đã được HĐND tỉnh cho ý kiến tại Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 12/7/2024.
Huỳnh Thảo
Ý kiến bạn đọc