Sáng ngày 28/11/2024, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thuờng lệ cuối năm 2024) HĐND tỉnh. Cuộc họp do ông Trương Nhật Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì; tham dự còn có bà Nguyễn Đài Thy - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các ngành Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh; có 06/10 thành viên Ban Pháp chế; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Cuộc họp đã tiến hành thẩm tra đối với 04 báo cáo của các cơ quan: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; Báo cáo công tác năm 2024 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh; Báo cáo công tác năm 2024 của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Tây Ninh.
Quang cảnh phiên họp thẩm tra của Ban Pháp chế
Qua thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá trong năm UBND đã chỉ đạo Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tiếp tục chủ động đề ra nhiều giải pháp phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm và vi phạm pháp luật … góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân. Qua đấu tranh đã phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều loại tội phạm, nổi bật như: tội phạm giết người; tội phạm cố ý gây thương tích; tội phạm về đánh bạc và tổ chức đánh bạc; tội phạm tham nhũng và chức vụ, tội phạm môi trường,… được kéo giảm so với cùng kỳ; các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định; các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… được triển khai đồng bộ; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, duy trì; hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được chú trọng,…
Đối với hoạt động của Tòa án nhân dân hai cấp, trong năm 2024 đã giải quyết 13.542 vụ, việc (giảm 1.091 vụ, việc so với cùng kỳ), đạt tỷ lệ 93,09%, trong đó, án hình sự giải quyết đạt tỷ lệ 99,72%; án dân sự giải quyết đạt tỷ lệ 92,44%; án hôn nhân và gia đình giải quyết đạt tỷ lệ 98,05%; án kinh doanh thương mại giải quyết đạt tỷ lệ 96,46%; án lao động giải quyết đạt tỷ lệ 100%; án hành chính giải quyết đạt 100%.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, chủ động đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đúng pháp luật. Chú trọng làm tốt trong thực hiện kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt tỷ lệ cao (chiếm 91%) và tăng cường công tố trong hoạt động điều tra đảm bảo các vụ án được truy tố đúng người, đúng tội, không có trường hợp nào oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Công tác kiểm tra, xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm theo quy định pháp luật. Việc thi hành án các vụ việc liên quan đến các khoản thu cho ngân sách nhà nước; các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được chú trọng; các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn được tập trung giải quyết; công tác bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật,…
Tại cuộc họp ngoài đánh giá qua thẩm tra của Ban Pháp chế, các đại biểu, thành viên Ban có một số ý kiến xoay công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật như: một số loại tội phạm có chiều hướng tăng nhất là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm mua bán người; tội phạm ma túy; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm kinh tế; tội phạm kinh tế, tham nhũng chức vụ; tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí; tổng số án bị huỷ, sửa của Toà án nhân dân hai cấp khá cao; án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán vẫn còn xảy ra; vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, xử lý tài sản, vật chứng và quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án,… nhưng chậm được khắc phục; trong quá trình thực thi nhiệm vụ, vẫn còn xảy ra một số vi phạm, sai sót như: chậm thông báo, tống đạt quyết định thi hành án và việc Chấp hành viên còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị,…
Kết luận, ông Trương Nhật Quang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các ngành tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp và hoàn thiện các báo cáo để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 16 sắp tới.
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc