Để xem xét, đánh giá việc chấp hành quy định trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thực hiện Chương trình công tác năm 2024, chiều ngày 31/10/2024, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và việc xây dựng Đề án giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phiên giải trình do đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; tham dự phiên họp có các đồng chí thành viên Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu, huyện Dương Minh Châu, huyện Châu Thành và thị xã Trảng Bàng, cùng một số sở, ngành có liên quan.
Quang cảnh phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh
Theo báo cáo UBND tỉnh, Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 (sau đây viết tắt là “Quy hoạch 3172”). Theo đó, tổng số khu vực mỏ khoáng sản theo quy hoạch là 185 khu vực, với diện tích 6.621,1 ha và trữ lượng 114.842.828 m3. Để tổ chức triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản: Kế hoạch khai thác khoáng sản; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; Phê duyệt Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác;… đồng thời hàng năm, UBND tỉnh đều có ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là khu vực hồ Dầu Tiếng. Đến nay, có 46 khu vực đã được cấp phép đạt 24,87%, với diện tích 1.403,1 ha đạt 21,19%, trữ lượng 31.822.838 m3 đạt 27,71%.
Hiện nay, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 24/9/2024 về phê duyệt Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là “Đề án 1782”). Theo đó, Đề án đã khoanh định 133 khu vực mỏ, với tổng diện tích là 6.443,81 ha và trữ lượng là 365.801.555 m3. Nhìn chung, Đề án 1782 đã được UBND tỉnh xây dựng và ban hành theo hướng tập trung, khoanh vùng dễ quản lý, đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường xung quanh, đáp ứng nhu cầu cung cấp khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo giải trình tại phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu trao đổi, đề nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề, như: Kết quả khai thác khoáng sản thực tế so với trữ lượng đã cấp phép; việc cấp phép và quản lý, kiểm soát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác khoáng sản; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền, phạm vi quản lý của UBND cấp huyện, xã trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản và những khó khăn trong quá trình quản lý; công tác quản lý, xử lý nợ trong hoạt động khai thác khoáng sản; việc thực hiện điều tiết ngân sách từ các khoản thu phí, thuế, tiền thuê đất trong hoạt động khoáng sản cho các địa phương; công tác quản lý, rà soát, xử lý các khu vực mỏ khoáng sản đã hết thời gian khai thác nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và quản lý các mỏ sau khi đóng cửa mỏ; quy định về trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; công tác quản lý thực hiện thuê mặt nước khai thác khoáng sản, thuê bến bãi tập kết trong và ngoài khu vực Hồ Dầu tiếng; việc quản lý, cấp phép đối với khu vực đấu giá, không giá quyền khai thác khoáng sản; việc xác định các khu vực khoáng sản đề xuất đưa vào Đề án 1782, trong đó cần làm rõ các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản, đồng thời phân tích đánh giá khả năng cân đối cung cầu khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý, kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép, vượt công suất, vượt độ sâu, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không đúng quy định;.... Các nội dung yêu cầu giải trình đã được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, các đơn vị trả lời, làm rõ, đồng thời tiếp thu, nhìn nhận trách nhiệm về một số hạn chế của các ngành, đơn vị thời gian qua.
Khu vực đóng cửa mỏ khai thác đất san lắp tại ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, trên cơ sở Đề án 1782 đã được phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể để thực hiện triển khai thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ khu vực tiếp tục khai thác, chuẩn bị và đưa vào khai thác khoáng sản, xác định cụ thể nguồn cung khoáng sản phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, bao gồm các công trình, dự án của khu vực công và ngoài khu vực công; xác định các khu vực đấu giá, không đấu giá gắn với từng công trình, dự án cụ thể, nhằm phục vụ đáp ứng cơ chế thị trường và nhu cầu xã hội, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng; khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất Đề án 1782 và đúng quy định pháp luật; chỉ đạo rà soát và công bố công khai quy trình cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó cần phân định rõ hơn về phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm từng cấp, từng ngành, giữa tỉnh, huyện, xã, giữa ngành tài nguyên và các ngành khác có liên quan trong quản lý hoạt động khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ, rõ quyền, rõ trách nhiệm; tăng cường chỉ đạo các hoạt động giám sát thường xuyên, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện của các doanh nghiệp theo giấy phép đã cấp, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định về các điều kiện khai thác và quản lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát sản lượng khai thác theo giấy phép, đảm bảo sản lượng khoáng sản khai thác đạt 70 – 80% sản lượng đã cấp phép nhằm đáp ứng được nhu cầu đầu tư theo địa chỉ và đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, tránh việc đầu cơ, găm hàng, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, tránh thất thu thuế; chỉ đạo xử lý dứt điểm việc thực hiện đóng cửa mỏ các khu vực đã hết thời hạn khai thác đã lâu nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, rà soát lại toàn bộ các mỏ đã ngừng khai thác giai đoạn trước và đề ra các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường để đảm bảo an toàn; đối với các mỏ hết thời hạn khai thác đã lâu cần rà soát có giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường, đảm bảo an toàn, nghiên cứu khoanh vùng, chuyển đổi mục đích sử dụng, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Huỳnh Thảo
Ý kiến bạn đọc