Sáng ngày 25 tháng 5 năm 2023, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với các nội dung liên quan đến việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Đoàn ĐBQH Tây Ninh thuộc Tổ thảo luận số 11 cùng với các Đoàn: Tuyên Quang, Ninh Thuận và Kiên Giang; phát biểu góp ý về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương băn khoăn trước một số khó khăn, hạn chế như: GDP tăng thấp sẽ gây áp lực cho các quý khác trong năm, để đạt chỉ tiêu 6,5% đòi hỏi 3 quý còn lại bình quân phải tăng 7,5%, một số tỉnh trung tâm tăng trưởng âm (Quảng Ngãi: -1,07%, Vĩnh Phúc: -2,47%, Bà Rịa – Vũng Tàu: -4,75%, Quảng Nam: -10,88%, Bắc Ninh: -11,85%), giải ngân đầu tư công đạt 15,65% nhưng đầu tư tư thì suy giảm, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm giảm 6,9%, nhập siêu lớn (6,62 tỷ USD), lạm phát cơ bản tăng 4,9% cao hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân. Bình quân mỗi tháng có 20 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường do thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, lãi xuất cao, sức mua người dân giảm, tổng số doanh nghiệp được thành lập mới và quay lại hoạt động giảm 2%, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể là 77 ngàn, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đối diện với áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với giá rất thấp, nhiều trường hợp bán cho người nước ngoài, doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp…
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại Tổ thảo luận
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy cũng bày tỏ lo ngại một số vấn đề liên quan đến tình trạng nghỉ việc của cán bộ, công chức và nhân viên trong các khu vực công; trụ sở nhà đất công các cơ quan Trung ương trú, đóng trên địa bàn các tỉnh không còn sử dụng nhưng chậm bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng gây lãng phí. Các Bộ ngành Trung ương triển khai nhiều phần mềm đến các địa phương nhưng hiện nay các phần mềm chưa được đồng bộ, liên thông dữ liệu dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị đánh giá rõ hơn 3 khâu đột phá, về thể chế đã tạo được sự chuyển biến như thế nào? Có những điểm nghẽn nào chưa phù hợp cản trở việc phát triển của đất nước, cần đánh giá về công tác phát triển nguồn lực chất lượng cao, công tác giáo dục và đào tạo… các nội dung cần đánh giá thực chất và hiệu quả hơn. Về hạ tầng giao thông, hạ tầng số phát triển đến đâu, quản lý đến đó nhưng cách thức quản lý như thế nào, phương hướng tới cần có dự báo lâu hơn, đa chiều hơn, các điểm nghẽn cần phải khơi thông để hài lòng người dân, hài lòng doanh nghiệp. Phải truyền thông chính sách tốt để người dân hiểu và thực hiện tốt, bác bỏ được những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch…
ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Tổ thảo luận
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc