Sáng ngày 01/6/2023, tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đã có văn bản góp ý gửi Tổng Thư ký Quốc hội, đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm 2023 do Chính phủ trình tại kỳ họp; theo đại biểu những tháng qua chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục đứng trước những bất định, khó lường trong đó có những mặt nghiêm trọng; cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt; sự phục hồi của kinh tế thế giới diễn ra chậm; lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tổng cầu của các nền kinh tế lớn vốn là thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, sản xuất kinh doanh đứng trước nhiều khó khăn thách thức; nhiều Doanh nghiệp đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, vốn đầu tư thấp; thủ tục pháp lý bất cập ở những dự án bất động sản; giá cả vật tư, phân bón, thức ăn gia súc tăng cao, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, sức tiêu dùng thấp....
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng cho rằng với sự chung tay, đồng lòng vượt khó của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế đã đạt những kết quả đáng kể, kinh tế - xã hội vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, cụ thể: Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số lạm phát, tỷ giá trong giới hạn và còn nhiều dư địa để thực hiện mục tiêu cả năm do Quốc hội đề ra. Mức tăng trưởng GDP 3,32% tuy chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng, xong đây là mức có thể chấp nhận được so với các nền kinh tế trên thế giới, khu vực.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy còn nhiều hạn chế, nhiều ngành và địa phương đạt mức rất thấp, thậm chí ngừng trệ gần như hoàn toàn. Song vẫn có nhiều địa phương, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư tốt, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành và sẽ được hoàn thành vào những tháng tới đây.
Lĩnh vực tài chính, tiền tệ chuyển đổi số nhanh, đây là tiền đề quan trọng tiến tới một nền kinh tế ít hoặc không sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện để kiểm soát hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, cũng là một trong những công cụ góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
An sinh xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo. Dịch bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng tuy gần đây có gia tăng, song nhìn chung vẫn trong vòng kiểm soát trên phạm vi cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tình cảm, niềm tin của bạn bè thế giới và các đối tác đối với đất nước, con người, nền kinh tế - xã hội Việt Nam không ngừng được tăng lên.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng băn khoăn trước một số khó khăn, hạn chế mà nền kinh tế đang gặp phải, cụ thể:
Một là: Một số lĩnh vực đứng trước sự suy giảm tăng trưởng sâu, nhất là đối với đồ gỗ, thủy hải sản, dệt may, da giày ... Những tháng tiếp theo, để lấy lại được đà tăng trưởng là khá bấp bênh, nhất là trong điều kiện thị trường Châu Âu có những rào cản kỹ thuật mới liên quan đến môi trường sinh thái nói chung, chống phá rừng nói riêng.
Hai là: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tuy đã có chính sách nhằm tháo gỡ ách tắc, song vẫn là bức tranh màu xám, mức giao dịch thấp, nhiều dự án nhà ở dở dang do thiếu vốn hoặc phải chờ thủ tục pháp lý.
Ba là: Thị trường xuất khẩu đã, đang và sẽ còn đứng trước rất nhiều bất định, một mặt do tổng cầu trên thị trường xuất khẩu chưa được cải thiện, mặt khác tại các thị trường lớn của Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh lãi suất, và có những hàng rào kỹ thuật mới nghiêm ngặt hơn.
Bốn là: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, phải hết sức nỗ lực mang tính hệ thống để hạ đến mức thấp nhất tỷ lệ không đạt kế hoạch đề ra, nhằm tăng nguồn vốn vào nền kinh tế - một động lực quan trọng của tăng trưởng.
Trước những khó khăn đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ cần xử lý linh hoạt chính sách tài khóa một cách nhạy bén, sát với thực tiễn trong năm nay; về mặt tổng quát, cần thực hiện chính sách này theo hướng nghiêng nhiều về chính sách tài khoá, trước hết xem xét để giảm, hoãn một số loại thuế, phí, giảm giá thuê đất và mặt nước… hỗ trợ người lao động ở mức cần thiết, đối tượng cần thiết; kiểm soát hiệu quả đầu tư từ các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Về chính sách tiền tệ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần khoanh nợ, hoãn trả nợ, nới rộng các điều kiện tiếp cận tín dụng đối với người dân và doanh nghiệp, đảm bảo dòng tiền phải đi vào khu vực sản xuất kinh doanh, theo đại biểu đây chính là biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, chấp nhận suy giảm lợi nhuận ngân hàng để hạ lãi suất cho vay.
Đại biểu cũng cho rằng nên tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, số hóa nền kinh tế, giảm chi phí trung gian, chi phí không chính thức. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trong nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm xúc tiến thị trường xuất khẩu, tận dụng mọi lợi thế để tăng cường công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế. Kịp thời nắm bắt những diễn biến mới, thời cơ và thách thức trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường, mở rộng ngành hàng và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Song song đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước hết, quan tâm đến những giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Thị trường tiêu thụ trong nước là “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn hướng đến, với quy mô dân số 100 triệu người, trong đó 50% dân số trẻ nhu cầu tiêu dùng phong phú, đa dạng và luôn thay đổi. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng; để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hoá Việt Nam. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội để kích thích tăng trưởng dịch vụ bán lẻ, ăn uống, lưu trú, lữ hành… Do vậy, ngành du lịch phải có chiến lược phù hợp để thu hút khách trong nước và quốc tế tạo nên hiệu ứng tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần đổi mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; cải tạo và nâng cấp môi trường đầu tư, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhà đầu tư.
Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiên trì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian, lừa đảo... nâng cao niềm tin của toàn xã hội và của đối tác nước ngoài; tích cực bảo hộ doanh nghiệp, bảo hộ sản xuất và bảo hộ người dân trong quá trình phát triển và hội nhập. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; kịp thời tháo gỡ khó khăn, không đùn đẩy trách nhiệm, "khó khăn ở cấp nào cấp đó giải quyết, khó khăn ở đâu giải quyết ở đó, không sợ khó, không sợ khổ, không nói có mà không làm, đã cam kết thì phải thực hiện có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể"./.
Thanh Trung (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc