Đa dạng các hình thức giám sát
Các văn bản để pháp lý hóa các nội dung, kết quả giám sát là hết sức cần thiết. Giám sát phải đi liền với việc lựa chọn các hình thức văn bản phù hợp để có cơ sở pháp lý tiếp tục giám sát. Mặt khác, có những nội dung, vấn đề cần thiết phải tái giám sát. Bởi đã có cam kết, giải pháp giải quyết rồi nhưng nếu không đôn đốc, thậm chí tái giám sát thì hiệu quả không cao. Kinh phí và các điều kiện khác bảo đảm cho hoạt động giám sát hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng cần nghiên cứu, cụ thể hóa. Bên cạnh đó, vai trò của báo chí, việc phối hợp với báo chí rất quan trọng. Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng |
Những năm gần đây, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ngày càng đi vào thực chất. Đặc biệt, sau 8 tháng triển khai Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, hoạt động giám sát của các địa phương đã có thêm các công cụ pháp lý để nâng cao chất lượng. Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh cho rằng, cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức giám sát, kết hợp giữa giám sát qua nghe báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát với việc khảo sát, giám sát thực tế tại cơ sở. Đặc biệt chú trọng hoạt động khảo sát thu thập đầy đủ tư liệu để có cơ sở đánh giá, đối chiếu với báo cáo của đơn vị được giám sát để thấy được nhiều chiều của vấn đề, kịp thời đưa ra những kết luận đúng, đề xuất kiến nghị hợp lý.
Đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nêu kinh nghiệm, việc chuyển các hoạt động thảo luận, chất vấn trong kỳ họp từ tham luận văn bản sang đối thoại, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi là giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả giám sát. Khi các vấn đề được đưa ra trao đổi trực tiếp, lãnh đạo các sở, ngành buộc phải nắm rõ, đồng thời chuẩn bị kỹ các nội dung. Từ đó, nhiều quyết sách giải quyết, giải pháp tạo sự chuyển biến đã được đưa ra. Lãnh đạo các sở, ngành có trách nhiệm hơn với các vấn đề cử tri quan tâm, ý kiến nếu như không muốn mất uy tín trước đại biểu, cử tri.
Để các kiến nghị, kết luận sau giám sát sớm được thực hiện, HĐND tỉnh Sơn La có cách làm sáng tạo. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nhâm Thị Phương, trên cơ sở kết quả khảo sát, giám sát của Thường trực và các ban HĐND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 9 kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung giải quyết những hạn chế, vướng mắc kiến nghị sau giám sát. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực đối với những nội dung HĐND đã giám sát. Đây cũng là gợi ý để HĐND các tỉnh có thể học tập trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy để ban hành kết luận chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Đẩy mạnh tái giám sát
Theo nhiều đại biểu, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, việc đôn đốc thực hiện kết luận giám sát, thực hiện tái giám sát hết sức cần thiết. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Dương Hoàng Hương nêu kinh nghiệm kết hợp với cơ quan truyền thông đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn. Theo đó, chuyên mục “Đại biểu dân cử và cử tri”, “Giám đốc sở với cử tri” phát trên sóng truyền hình tỉnh thường xuyên phản ánh tiến độ, kết quả thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn để cử tri theo dõi, giám sát. Sáng kiến này cùng với các hình thức giám sát khác đã mang đến hiệu quả tích cực, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được giải quyết triệt để trong thực tế.
Tái giám sát các kết luận giám sát đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên của HĐND các tỉnh trong khu vực. Đây là biện pháp cần thiết nhằm đôn đốc triệt để đối với những vấn đề đã có giám sát nhưng vẫn chậm chuyển biến. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nhâm Thị Phương dẫn chứng, trên cơ sở kết luận phiên chất vấn của Chủ tọa tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh, nhận thấy vấn đề sau chất vấn chậm chuyển biển, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tái chất vấn về Kế hoạch triển khai thực hiện và một số giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân; ấn định thời gian hoàn thành cấp giấy chứng nhận. Sau tái chất vấn, cơ quan chức năng đã có những giải pháp cụ thể và triển khai quyết liệt.
Ý kiến bạn đọc