Chiều ngày 26/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát UBND tỉnh về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tham gia buổi làm việc có Thường trực HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, lực lượng lao động đang làm việc là 634.598 người, chiếm 57,36% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó: nam 351.314 người, nữ: 283.285 người). Trong tổng số 634.598 lao động đang làm việc, số lao động có trình độ tốt nghiệp tiểu học là 36,5%; trình độ tốt nghiệp THCS chiếm 21,3%, trình độ tốt nghiệp THPT 7,6%. Trong thời gian qua, vấn đề giải quyết việc làm, giáo dục đào tạo, đào tạo nghề luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, tạo cơ hội cho lao động học nghề và tìm kiếm việc làm trong các thành phần kinh tế. Kết quả giai đoạn 2011-2015 đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 106.250 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề tăng qua từng năm (năm 2010: 45%, năm 2015: 60%, năm 2017: 64%).
Bà Phan Thị Điệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Tại buổi giám sát, các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề về công tác đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay. Bà Phan Thị Điệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Báo cáo chưa đánh giá được việc đào tạo có theo quy hoạch hay dựa trên nhu cầu của người học, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; việc thực hiện các đề án đào tạo của tỉnh chưa đánh giá được cụ thể chất lượng sử dụng nhân lực sau đào tạo; chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa cao, còn nhiều hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; công tác phân luồng học sinh phổ thông hiệu quả thấp…”
Còn theo ý kiến của ông Lê Anh Tuấn – Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách thì: “Thông tin dữ liệu lao động của tỉnh chưa đầy đủ, độ tin cậy chưa cao; Báo của của UBND tỉnh cần đánh giá lại kết quả thực hiện các chương trình, dự án được ưu tiên theo Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh; dự báo của Quy hoạch đến nay còn phù hợp không? vai trò, trách nhiệm của ngành chủ lực, ngành phối hợp, mối liên quan giữa các ngành trong thực hiện quy hoạch như thế nào? Đào tạo hiện nay chủ yếu đào tạo đại học, chưa chú trọng đào tạo công nhân lành nghề; trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần tính toán lại phương án triển khai để đạt hiệu quả cao”
Bên cạnh việc đề nghị bổ sung, làm rõ việc thực hiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tại buổi giám sát, Đoàn giám sát cũng đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện công tác này hiệu quả hơn trong thời gian tới như: các ngành trong xây dựng trường phải kèm theo xây dựng phương án nhân lực để vận hành; thực hiện sáp nhập các trường, điểm trường nhỏ, lẻ để tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; đổi mới mô hình đào tạo nghề; tập trung đào tạo giáo viên dạy nghề cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, chuyển mô hình từ dạy văn hóa là chính sang dạy nghề là chính; khảo sát đánh giá nguồn nhân lực, khắc phục thừa lao động bằng cấp, thiếu lao động kỹ thuật; định hướng đào tạo theo nhu cầu lao động của tỉnh; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên trong phát triển nguồn nhân lực…
Trên cơ sở ý kiến của Đoàn giám sát, lãnh đạo các Sở, ngành đã có giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Chốt lại sau ý kiến trả lời của các ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhận thiếu sót về việc báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương của Đoàn giám sát. Báo cáo chưa đánh giá được hết các chỉ tiêu theo quy hoạch. Quy hoạch còn nhiều vấn đề bất cập, một số chỉ tiêu đưa ra thiếu cơ sở. Sau giám sát, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành nắm lại các số liệu để đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp để thực hiện công tác này trong thời gian tới sát thực tế hơn.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận định, qua thực hiện quy hoạch cũng có những bước tiến bộ trong phát triển nhân lực của tỉnh; thông qua quy hoạch, gần 100% cán bộ, công chức, viên chức được chuẩn hóa trình độ theo chức danh; mạng lưới giáo dục, đào tạo, dạy nghề đa dạng hơn; hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh; chính sách thu hút nhân tài cũng góp phần giúp cho tỉnh có đội ngũ công chức trình độ cao… Tuy nhiên còn nhiều hạn chế, bất cập như: trong đào tạo có nội dung chưa bám sát quy hoạch; chưa gắn kết có hiệu quả giữa đào tạo của các trường nghề với doanh nghiệp; chưa sơ kết đánh giá các đề án theo quy hoạch để đánh giá sâu kết quả thực hiện; chưa có trung tâm dữ liệu về lao động… Nguyên nhân là do trong lãnh đạo điều hành có lúc chưa bám sát định hướng theo quy hoạch; thiếu kết nối giữa ngành, lĩnh vực với các thành phần kinh tế; công tác kiểm tra giám sát chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, kể cả của Trung ương và địa phương; môi trường làm việc chưa thực sự tốt để tạo điều kiện cho sự phát triển sau này của người tài. UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát và sẽ có giải pháp cụ thể để thực hiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm – Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh sớm tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan về kết quả thực hiện Quy hoạch, đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, tính hiệu lực, khả thi, đối chiếu với các định hướng trọng tâm phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 để định hướng phát triển nhân lực của địa phương trong thời gian tới. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để tồn tại hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục. Khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về lao động việc làm, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng nhân lực của địa phương làm cơ sở đánh giá sự phát triển nhân lực. Rà soát, đánh giá và có định hướng đầu tư, khai thác hiệu quả các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư cơ sở chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, quan tâm đầu tư phát triển giáo dục mầm non; tập trung cải thiện chất lượng công tác đào tạo nghề; tháo gỡ khó khăn trong công tác phân luồng học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp liên ngành trong phát triển thị trường lao động, đào tạo, dạy nghề; đề cao trách nhiệm các ngành trong tham mưu cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhân lực của địa phương.
NM