Tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND về thực hiện chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh về: Tình hình ô nhiễm môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn; tiến độ và hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ; về công tác thi hành án dân sự, được cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. |
Xác định tầm quan trọng của hoạt động chất vấn là hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đặc biệt này. Qua nhiều kênh thông tin khác nhau, yêu cầu đặt ra là vấn đề đưa ra chất vấn được lựa chọn phải mang tính bức xúc nhất, được đa số cử tri quan tâm, có ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH, an ninh trật tự của địa phương, của tỉnh và mang tính thời sự. Nội dung chất vấn được chuyển đến UBND tỉnh để chỉ đạo các sở và phân công các ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời, chu đáo, giải trình làm rõ. Tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, thời gian dành cho thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn trọn một buổi và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Bên cạnh chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND trong một buổi và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Đồng Tháp để cử tri theo dõi. Mỗi kỳ chất vấn là một chủ đề cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc chuẩn bị các nội dung chất vấn, chủ động đề nghị các tổ đại biểu họp tổ, thảo luận, thống nhất các nội dung cần chất vấn; đồng thời, đề nghị các ban HĐND tỉnh đề xuất nội dung qua công tác khảo sát, giám sát, thẩm tra, thảo luận tổ. Đây là cơ hội để UBND tỉnh và người đứng đầu ngành, lĩnh vực thông tin, chia sẻ những hạn chế, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của cử tri và nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
![]() Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn năm 2017 |
Ảnh: Phú Thuận |
Thực chất, hiệu quả hơn
Tại nghị trường kỳ họp, đại biểu HĐND chính là chủ thể chất vấn, do đó, đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm. Chất vấn phải trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, khách quan, nghiêm túc và trách nhiệm, phải vượt qua tâm lý né tránh, ngại đụng chạm, sợ mất lòng; những câu hỏi chất vấn phải là những vấn đề liên quan đến lợi ích của đa số cử tri và nhân dân ở địa phương, những vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc và cần có biện pháp tháo gỡ, những vấn đề mang tính chất dự báo, có khả năng xảy ra… tác động trực tiếp đến phát triển KT - XH của địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu HĐND chất vấn phải nắm chắc thông tin, nghiên cứu kỹ vấn đề đặt ra, có khả năng phán đoán các phương án trả lời để chuẩn bị truy vấn, làm rõ thêm vấn đề, làm cho hoạt động chất vấn đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Không để rơi vào bế tắc
Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn chất lượng, hiệu quả, không thể thiếu vai trò điều hành của chủ tọa. Bên cạnh bảo đảm chặt chẽ theo chương trình, kịch bản đã được thống nhất, điều hành phiên họp phải linh hoạt chủ động để phiên chất vấn đạt mục đích, yêu cầu; chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu tham gia chất vấn.
Quá trình điều hành chất vấn, chủ tọa phải có ý kiến, tuy nhiên ý kiến đó cần khách quan, hợp lý và cần thiết để làm sâu sắc thêm vấn đề quan tâm. Chủ tọa có thể can thiệp, có ý kiến bất kỳ thời điểm nào khi người trả lời chất vấn chưa đi đúng vào trọng tâm, né tránh. Đây là quá trình điều hành vừa phát huy dân chủ, vừa kiểm soát được nội dung, bảo đảm tính định hướng, tính khả thi của những vấn đề đặt ra. Mục đích của chất vấn và trả lời chất vấn là để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và tìm giải pháp giải quyết vấn đề, do đó, chủ tọa phải linh hoạt, không đưa vấn đề chất vấn đi vào bế tắc.
Sau chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa phải có kết luận, đánh giá, nhấn mạnh những điều cần lưu ý, những kiến nghị, kể cả những vấn đề cần rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần xây dựng đối với người được chất vấn. Kết luận chất vấn phải được thông tin đến cử tri và nhân dân biết, theo dõi, giám sát.
Cơ sở đánh giá cán bộ
Hiệu quả hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp không chỉ dừng lại ở việc hỏi thẳng, trả lời rõ mà còn ở việc triển khai thực hiện những nội dung trả lời đó trên thực tế như thế nào. Căn cứ kết quả phiên chất vấn, trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tham mưu cho cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận chất vấn; kiến nghị những vấn đề cụ thể đối với UBND cùng cấp để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận chất vấn. Thường trực, các ban, các tổ và các đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện các kết luận chất vấn.
Bên cạnh đó, để giám sát việc thực hiện lời hứa của người được chất vấn, có thể lồng ghép đánh giá việc tổ chức thực hiện kết luận sau chất vấn với công tác đánh giá cán bộ đối với ủy viên UBND, người đứng đầu ngành về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND theo quy định.
Ý kiến bạn đọc