Nâng cao hiệu quả giám sát của ban HĐND

Thứ ba - 28/03/2017 15:00 7 0

Nâng cao hiệu quả giám sát của ban HĐND

Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã có hiệu lực hơn một năm, nhưng vẫn còn những chế định mới của Luật chưa được áp dụng trong quá trình giám sát của các ban HĐND bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó có vai trò chỉ đạo của Thường trực HĐND trong hoạt động giám sát chưa được làm rõ.

Thực hiện quy định mới

Chỉ đạo của Thường trực HĐND là cụm từ rất quan trọng mới xuất hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Ở Điều 104: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND đã ghi rõ tại Khoản 4: “Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban của HĐND”. Như vậy, ngoài điều hòa, phối hợp như đã được quy định và thực hiện trước đây, Thường trực HĐND còn có trách nhiệm “chỉ đạo” các ban của HĐND trong mọi mặt công tác, nhất là hoạt động giám sát của các ban giữa hai kỳ họp HĐND. Chỉ đạo các ban là trách nhiệm của Thường trực HĐND được xác định cụ thể thêm tại Điều 75, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015.

Theo quy định của Luật, việc chỉ đạo của Thường trực HĐND phải ngay từ khi các ban HĐND xây dựng chương trình giám sát để phù hợp với chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND. Thường trực HĐND phân công các ban HĐND thực hiện một số nội dung thuộc chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND. Đồng thời, yêu cầu các ban của HĐND điều chỉnh kế hoạch giám sát để bảo đảm hoạt động không bị trùng lặp, chồng chéo. Định kỳ, Thường trực HĐND phối hợp với lãnh đạo các ban của HĐND họp đánh giá tình hình, kết quả hoạt động giám sát, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tổng hợp hoạt động giám sát báo cáo với HĐND.


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát cơ sở vật chất giảng dạy tại Trung tâm ngoại ngữ Atlantic
Ảnh: Huyền Loan

Tránh trùng lặp, gây khó khăn

 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND có nhiều quy định mới. Những quy định này chưa được hướng dẫn cụ thể thêm, nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Thậm chí, HĐND nhiều nơi chưa dám áp dụng những quy định trong hoạt động giám sát. Hy vọng, cơ quan thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn; Thường trực HĐND các địa phương nhanh chóng tổ chức thực hiện những quy định đã rõ, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các ban HĐND.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tăng số lượng đại biểu chuyên trách các ban HĐND lên khá lớn. Chương trình hoạt động giám sát của các ban HĐND cũng phải được tăng cường mạnh mẽ để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát quyền lực… các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh công tác: Kiểm tra, giám sát; thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành; giám sát, phản biện xã hội… Tất cả hầu như tập trung nhiều xuống cấp dưới, về doanh nghiệp, cơ sở. Như vậy có thể tạo áp lực và trùng lặp, chồng chéo, nhất là những địa phương nhỏ, ít đơn vị hành chính trực thuộc, doanh nghiệp chưa phát triển nhiều. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát cũng có phần thuộc nhiệm vụ của Thường trực HĐND. Đây là vấn đề lớn nên có những cuộc thảo luận riêng và cần có quy chế phối hợp liên tịch.

Ở đây, trong khuôn khổ bài viết chỉ muốn dừng lại trong phạm vi các cơ quan dân cử, để thực hiện có hiệu quả những quy định mới của luật pháp. Nhìn nhận một cách khách quan và theo nhiệm vụ, quyền hạn được luật định, trước hết, HĐND nên tập trung giám sát các tổ chức, đơn vị cùng cấp, trọng tâm vẫn là UBND, VKSND, TAND. Các ban của HĐND nên tập trung giám sát các cơ quan chuyên môn thuộc UBND theo lĩnh vực được quy định và phân công. Như vậy, các ban của HĐND sẽ hạn chế được sự trùng lặp, chồng chéo khi giám sát tại các cơ quan, đơn vị. Còn khi các ban của HĐND có kế hoạch giám sát ở cấp dưới, hoặc khác lĩnh vực, Thường trực HĐND thực hiện vai trò điều hòa hoặc phải chỉ đạo để phối hợp giữa các ban của HĐND khi giám sát ở cấp mình; hoặc phối hợp với tổ đại biểu HĐND, khi giám sát ở cấp dưới.

Cần hạn chế tối đa trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều ban của HĐND giám sát ở một đơn vị, mặc dù có khác nhau về lĩnh vực, nhưng đối tượng giám sát cũng đều là lãnh đạo chính quyền hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, kế hoạch giám sát của Thường trực, các ban HĐND cần nghiên cứu, cân nhắc đến chương trình hoạt động giám sát của các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH tại địa phương để có thể phối, kết hợp trong thực hiện, hạn chế sự trùng lặp không đáng có, gây phiền hà cho cơ sở.

Hiệu lực kết quả giám sát

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát không chỉ qua những kiến nghị trong báo cáo giám sát trình Thường trực HĐND, HĐND. Kết quả đó đã được các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát tiếp thu, sửa chữa ngay trong quá trình thực hiện giám sát. Thực tế, khi đoàn giám sát của ban HĐND đang làm việc ở ngành thì các đơn vị trực thuộc đã nhận ra những thiếu sót, yếu kém nên tự tiếp thu, sửa chữa. Hoặc, khi đoàn đang giám sát ở đơn vị này thì đơn vị kia thuộc ngành đã nhận thấy cần khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đây có thể là kết quả rất lớn hoạt động giám sát của các ban HĐND cần đưa vào báo cáo.

Các báo cáo giám sát của ban HĐND đều được trình Thường trực HĐND. Cuộc họp xem xét kết quả giám sát nên có sự tham dự của đại diện UBND và các ngành liên quan. Ban của HĐND tiếp thu, chỉnh sửa lại báo cáo trước lúc gửi đến HĐND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Thường trực HĐND xem xét và cho ý kiến các báo cáo giám sát khách quan, có chỉ đạo theo đúng chủ trương, pháp luật. Và nên tôn trọng những kiến nghị, đề xuất của ban HĐND mang tính chuyên môn, kỹ thuật; phát huy dân chủ, tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của các ban nhằm giúp HĐND thực hiện chức năng quan trọng này.

Kết quả giám sát của ban HĐND không chỉ dừng lại sau khi được Thường trực HĐND thông qua và báo cáo HĐND. Quan trọng hơn, những nội dung trong báo cáo giám sát của ban, nhất là những bất cập, hạn chế; những kiến nghị đề xuất sẽ trở thành những luận cứ xúc tác để nghị trường “nóng lên” trong các phiên họp thảo luận và chất vấn. Thường trực HĐND quan tâm chọn lọc, tập hợp những vấn đề nóng bỏng, kết hợp với ý kiến, kiến nghị của cử tri để gợi mở thảo luận của đại biểu. Đồng thời, nên gom lại những lĩnh vực bức xúc, nổi cộm nhất, biết cách khơi dậy trách nhiệm các đại biểu HĐND mạnh mẽ chất vấn các ngành liên quan. Đỉnh cao kết quả giám sát của các ban HĐND thể hiện ở các vấn đề lớn được kết luận chặt chẽ, rõ ràng hoặc ban hành Nghị quyết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND, để UBND và các ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Trần Quảng
(Theo báo điện tử Đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay7,008
  • Tháng hiện tại7,008
  • Tổng lượt truy cập2,492,877
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây