Sáng ngày 13/4, Thường trực HĐND tỉnh do ông Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND về việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; việc sử dụng biên chế, công tác đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc thẩm quyền của Giám đốc các Sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đối với Sở Nội vụ. Tham dự phiên giải trình có Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan và HĐND các huyện, thành phố.
Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành liên quan về việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Ban kinh tế - ngân sách báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện dự án này trên địa bàn 05 huyện biên giới, các đại biểu tham dự đã phát biểu nhiều vấn đề đặt ra thuộc trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại phiên giải trình
Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng: chương trình 135 hiệu quả đạt được chưa cao do cách tổ chức thực hiện còn bất cập, hỗ trợ bò thì 3-4 người mới được một con, người cuối cùng sớm nhất cũng phải mất 4 năm mới được nhận bò; hỗ trợ heo thì nuôi hết thức ăn được hỗ trợ rồi bán, ít hộ tiếp tục duy trì... Nguyên nhân là thiếu sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị; công tác kiểm tra, đánh giá của các ngành, các cấp ít; công tác tuyên truyền vận động chưa đến nơi, đến chốn, trong đó có cả trách nhiệm của MTTQ và các thành viên ở các cấp; ý thức người dân còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa cố gắng phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo; đối với cấp xã, việc xây dựng dự án chỉ chọn những nội dung hỗ trợ đơn giản, dễ thực hiện. Nhìn chung, cả hệ thống chưa quyết tâm vào cuộc để thực hiện dự án đạt hiệu quả.
Các đại biểu khác cho rằng, hướng dẫn của tỉnh không rõ, mức tối thiểu, lại hiểu mức tối đa, vướng mắc này đã kéo dài nhiều năm; chỉ được hưởng hỗ trợ 01 lần dẫn đến tồn kinh phí hỗ trợ, hiện nay, huyện Bến Cầu còn hơn 02 tỷ đồng phân bổ cho dự án nhưng chưa giải ngân được. Bên cạnh đó, việc bao cấp con giống, thức ăn, rồi thời điểm giao không phù hợp dẫn đến vật nuôi dễ mắc bệnh, chết; chưa có đánh giá hiệu quả từng mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, cá, các mô hình đều hỗ trợ như nhau; kinh phí thực hiện phân bổ bình quân, không theo điều kiện khó khăn của từng địa phương; hỗ trợ hiện nay không gắn với nhu cầu, năng lực, điều kiện thực hiện của người dân nên xuất hiện tình trạng “nuôi dùm” ở một số xã; việc cung cấp giống giá cao, sau khi nuôi, bán lại giá thấp hơn; chưa lồng ghép được các chương trình, dự án khác để người dân nhận được hỗ trợ nhiều hơn... cũng là những hạn chế, bất cập của dự án mà các đại biểu đã đặt ra tại phiên giải trình.
Giải trình ý kiến của các đại biểu tham dự, ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết số liệu ngành tổng hợp từ các huyện nên đánh giá chưa sâu, cũng chưa an tâm, và nhận định rằng việc hướng dẫn, phối hợp lồng ghép, nhân rộng mô hình chưa hiệu quả. Sắp tới ngành sẽ khảo sát, thẩm định kết quả thực hiện, tham mưu UBND tỉnh đánh giá, tổng kết thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, sẽ đánh giá từng mô hình cụ thể để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả hơn, đối với những mô hình hiệu quả sẽ nhân rộng, sẽ xem xét điều kiện của từng đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ phù hợp.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, đại diện lãnh đạo sở cho biết, việc phân bổ vốn giai đoạn 2014 - 2016, trung ương phân bổ theo mục (mỗi xã 300 triệu/năm đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất), do đó Sở thực hiện phân bổ theo thông báo vốn của Trung ương, còn lại do huyện chủ động thực hiện. Thời gian qua, đối với nguồn vốn không sử dụng hết, có thực hiện điều chuyển, chẳng hạn như huyện Trảng Bàng tồn 228 triệu đồng đã chuyển sang cho Châu Thành sử dụng. Đối với việc phân bổ theo tiêu chí, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động Thương binh Xã hội thực hiện, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, riêng năm 2017 thực hiện theo quy định cũ do ban hành chưa kịp tiêu chí.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho rằng nhiều vấn đề ngành giải trình cũng chưa thấu đáo, sắp tới sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thực hiện dự án này. Đối với những kiến nghị qua khảo sát của Ban kinh tế - ngân sách vào năm 2015, UBND tỉnh đã có tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2011-2015, trong đó có đánh giá dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có đánh giá công tác giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ở mức thấp.
Giải pháp đầu tiên của UBND tỉnh trong triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cả hệ thống chính trị. Tiếp theo là huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đạt hiệu quả.
Hiện nay, UBND tỉnh đã củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; đã phân công Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, định mức hỗ trợ của dự án. Sau phiên họp giải trình, UBND tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội bổ sung những vấn đề đại biểu đặt ra như: sẽ cụ thể định mức hỗ trợ cho từng mô hình sản xuất, mỗi mô hình sẽ giao ngành chức năng thẩm định định mức vốn hỗ trợ, tổng hợp các nguồn vốn để thực hiện dự án đảm bảo nhu cầu; về số lần được hỗ trợ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành hướng dẫn cụ thể số lần đối tượng được hỗ trợ để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu kết luận
Kết luận phiên giải trình về việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho rằng kết quả thực hiện dự án này năm 2015 và 2016 chưa có cải thiện về kết quả và hiệu quả so với giai đoạn trước đây, đóng góp của dự án vào mục tiêu tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng chưa đạt yêu cầu; những kiến nghị qua khảo sát của Ban kinh tế - ngân sách chưa được quan tâm chỉ đạo giải quyết. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá toàn diện kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chọn cách thức, mô hình sản xuất hiệu quả, rút kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai trong thời gian tới; chỉ đạo thực hiện các kiến nghị qua khảo sát của Ban kinh tế - ngân sách; sớm điều chỉnh và ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, trong đó có phân định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành trong thực hiện dự án, chú trọng công tác giám sát, kiểm tra trong triển khai và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh còn nghe Sở Nội vụ thực hiện giải trình về tình hình sử dụng biên chế và công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh.
NM