Tết Âm lịch sẽ được nghỉ thêm 1 ngày?

Thứ năm - 06/10/2011 23:25 36 0

Tết Âm lịch sẽ được nghỉ thêm 1 ngày?

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và PCT QH Nguyễn Thị Kim Ngân đều cho rằng cần quy định thêm 1 ngày nghỉ Tết Âm lịch.

Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra sáng 5.10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Hiện nay số ngày nghỉ dịp này là 4 ngày, thường “kẹp” một ngày đi làm vào giữa kỳ nghỉ. Ngày đó cũng rất ít cơ quan đơn vị làm việc thực chất”. Vì vậy, nên bổ sung thêm 01 ngày nghỉ tết âm lịch.

Ông nói: “Tết Âm lịch năm nào cũng “kẹt” 1 ngày chẳng ai đi làm. Người lao động thực nghỉ mà sao không cho?”

Tán thành với đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng,“so với các nước trong khu vực, số ngày nghỉ trong năm của Việt Nam vẫn còn thấp hơn, nên thêm 1 ngày nghỉ có thể chấp nhận được”.

Bà Ngân cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo Luật cũng đã có ý kiến đặt ra vấn đề này.

Về giờ làm thêm, dự thảo quy định theo hướng người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù. 

Nghỉ thai sản tối thiểu 4 tháng, tối đa là 6 tháng

Một nội dung sửa đổi trong Bộ luật Lao động nhận được nhiều ý kiến quan tâm là thời gian nghỉ thai sản.

Dự thảo Luật nâng thời gian nghỉ thêm 1 tháng, từ 4 lên 5 tháng với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường, từ 5 lên 6 tháng đối với người làm việc nặng nhọc, độc hại; giữ nguyên thời gian nghỉ 6 tháng với lao động nữ khuyết tật.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, để trẻ em được bình đẳng bú sữa mẹ, nên thống nhất thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng. Còn lại tùy sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh của từng lao động nữ mà có thể đi làm sớm hơn, nhưng không được nghỉ ít hơn 4 tháng…

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng khẳng định, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội về dự thảo Bộ luật Lao động nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật.

Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến thay thế cho Bộ luật Lao động ban hành năm 1994, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 sắp tới.

(Theo VTC)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay4,081
  • Tháng hiện tại92,273
  • Tổng lượt truy cập949,628
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây