1. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: “Cần nâng hệ số lương, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho lực lượng Công an xã vì mức lương hiện nay quá thấp; tăng số lượng biên chế từ 5 đến 7 chỉ tiêu, vì lực lượng hiện nay rất mỏng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.
Trả lời: (tại Công văn số 666a /BCA-V11 ngày 01 tháng 03 năm 2013)
- Về mức lương hàng tháng cho lực lượng Công an xã:
Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân các cấp rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an xã nhằm góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Về chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ như sau:
+ Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định với mức không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung.
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương theo mức bình quân bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người hoạt động không chuyên trách.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chức danh những người hoạt động không chuyên trách; mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh; mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính cấp xã, loại thôn, tổ dân phố phù hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; quy định mức khoán kinh phí hoạt động của các đoàn thể ở cấp xã theo số lượng những người hoạt động không chuyên trách quy định tại Điều 13 Nghị định này bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Như vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế các địa phương thực hiện chế độ, chính sách và chi trả phụ cấp cho lực lư¬ợng Công an xã có sự khác nhau, nhưng chế độ, chính sách và phụ cấp đối với Công an xã còn thấp so với tính chất đặc thù là lực l¬ượng vũ trang bán chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngày 10/5/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 91-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án về chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương đang tổ chức xây dựng Đề án, theo đó dự kiến sẽ đưa việc thí điểm bố trí Phó trưởng Công an xã là công chức cấp xã. Thực hiện Kết luận số 23/KL-TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, trong đó có vấn đề phụ cấp cho Công an xã (dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đang trình Chính phủ).
- Về vấn đề cấp thẻ bảo hiểm y tế cho Công an xã:
Tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định Trưởng công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được hướng dẫn nói trên để triển khai, thực hiện Nghị định 73/2009/NĐ-CP.
Hiện nay, chế độ bảo hiểm y tế của Công an xã được thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH, ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như sau: Trưởng công an xã là công chức cấp xã, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia bảo hiểm y tế theo quy định Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP, ngày 27/7/2009 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho Công an viên còn gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định hạn chế số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho lực lượng Công an xã theo quy định của Nghị định 73/2009/NĐ-CP, đồng thời đề nghị sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
- Về vấn đề tăng biên chế từ 5 đến 7 chỉ tiêu cho Công an xã:
Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định: Công an xã gồm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên. Mỗi xã được bố trí Trưởng Công an xã, 01 Phó trưởng Công an xã; xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1, 2 đư¬ợc bố trí không quá 02 Phó trưởng Công an xã. Mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, thôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 01 Công an viên; đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1, 2 được bố trí không quá 02 Công an viên. Trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã được bố trí không quá 03 Công an viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ hằng ngày.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 12/2010/TT-BCA, ngày 24/5/2010 của Bộ Công an thì vấn đề biên chế cho Công an xã do Giám đốc Công an cấp tỉnh căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Bộ Công an đề nghị cử tri kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh để được giải đáp.
Hiện nay, để tăng cường lực lượng Công an xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Bộ Công an đã xây dựng Đề án bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; đồng thời, ban hành Thông tư số 15/2010/TT-BCA, ngày 24/5/2010 quy định về việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành chức năng nắm tình hình về bố trí chức danh những người hoạt động không chuyên trách, trong đó có các chức danh Công an xã ở các địa phương theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; đồng thời, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Bộ Công an đang tham gia xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, trong đó sẽ đề xuất các nội dung phù hợp với quy định của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP.
2. Cử tri Tây Ninh: “kiến nghị có quy định đối với chủ phương tiện, bắt buộc chủ xe làm thủ tục sang tên ngay khi thực hiện các giao dịch để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người điều khiển phương tiện, nâng cao chất lượng xử lý, nhất là xử lý qua hình ảnh”.
Trả lời: (tại Công văn số 666a /BCA-V11 ngày 01 tháng 03 năm 2013)
Việc bắt buộc chủ phương tiện phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán, cho, tặng, thừa kế xe đã được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định tại Thông tư số 03-TT/BNV, ngày 24/7/1995 và quy định xử phạt hành vi này tại Nghị định số 49/CP, ngày 19/7/1995 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự, an toàn giao thông đô thị. Ngày 12/10/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư số 36/2010/TT-BCA quy định quản lý, đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông. Tuy nhiên, hiện nay quy định mức lệ phí trước bạ còn cao, thủ tục chuyển quyền sở hữu còn nhiều bất cập so với thực tiễn nên nhiều người dân nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Mặt khác, có nhiều chủ xe trước do nhiều lý do (chết, đi công tác nước ngoài, thay đổi nơi ở...) nên người sử dụng xe không thể liên hệ để bổ sung chứng từ chuyển nhượng, dẫn đến thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng nên không thể thực hiện việc sang tên, thay đổi đăng ký.
Để tạo điều kiện cho người dân đang thực tế sử dụng xe nhưng do thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện, đồng thời giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện, truy tìm phương tiện liên quan đến các vụ án, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, nhất là xử lý vi phạm qua hình ảnh được ghi nhận bằng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ giảm thuế trước bạ xuống còn 2% đối với các trường hợp sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BCA, ngày 01/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 02/10/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP; Thông tư số 12/TT-BCA, ngày 01/3/2013 sửa đổi khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA, ngày 12/10/2010 về đăng ký xe, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp xe đã đăng ký mua bán qua nhiều chủ thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng theo hướng đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh
Ý kiến bạn đọc