* Nội dung câu hỏi: Dư luận Nhân dân phản ánh tình trạng hàng kém chất lượng, việc sử dụng phẩm màu, hóa chất không rõ nguồn gốc, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được kiểm soát triệt để, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến xuất khẩu. Một số hộ sản xuất sầu riêng, mít có sản phẩm chứa chất cấm (cadimi, chất vàng O) vượt ngưỡng quy định nên không được thông quan sang Trung Quốc và một số nước, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trái cây. Nhân dân mong muốn tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, buôn bán; khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh ảnh hưởng đến các hộ sản xuất khác. Đồng thời, đề nghị thực hiện thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm; xử lý nghiêm và tăng hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn (bổ sung hình phạt như đóng cửa vĩnh viễn, truy cứu trách nhiệm hình sự). Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra đột xuất tại các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp và hàng quán ven đường.
* Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời:
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản luôn được Bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đơn vị chức năng để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển trong nước, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Hằng năm, Bộ đều ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm, tổ chức quán triệt trong toàn ngành và chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn chuỗi sản xuất, từ sản xuất, chế biến đến lưu thông và tiêu dùng, bao gồm cả hoạt động nhập khẩu và sử dụng vật tư nông nghiệp. Bộ đã triển khai các hoạt động ký cam kết, thẩm định, chứng nhận điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hậu kiểm chặt chẽ đối với các cơ sở đã ký cam kết; tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở có nguy cơ cao như chợ đầu mối, cơ sở giết mổ.
Về kết quả đạt được và giải pháp tăng cường trong thời gian tới: trong năm 2024, Bộ đã chỉ đạo các địa phương phát triển vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đến nay, diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP là trên 322.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận là hơn 11.000 ha; có 4.170 cơ sở chăn nuôi đạt VietGAHP; gần 3.700 cơ sở, vùng chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ cũng được tăng cường với 433 cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động, trong đó 81,5% cơ sở được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; hơn 9.400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 98,65%; tỷ lệ mẫu thực phẩm được giám sát đạt yêu cầu là 99,1%; tỷ lệ cơ sở ký cam kết tuân thủ quy định đạt 93%. Hằng năm, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 25.000 đến 30.000 cơ sở, qua đó xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm như: xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có sản lượng lớn, đáp ứng yêu cầu chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ công tác giám sát; kiểm soát chặt chẽ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm từ đầu vào; tăng cường cảnh báo và xử lý nghiêm vi phạm, bao gồm cả chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật, đặc biệt về cơ chế kiểm soát và chế tài xử phạt phù hợp. Hiện nay, Bộ đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 02/KH-BNNMT ngày 21/5/2025 để thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg và Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đối với vấn đề quản lý an toàn thực phẩm sầu riêng xuất khẩu, Bộ đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 về thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sầu riêng; phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phát triển ngành hàng bền vững. Trong thời gian tới, Bộ tập trung tái cấu trúc ngành hàng theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Bộ đang hoàn thiện quy trình canh tác, quản lý chất lượng đất, nước, phân bón; hướng dẫn sản xuất bền vững; cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; thu hồi mã số của các cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc có hành vi gian lận. Đồng thời, Bộ tiếp tục làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng công nhận mã số vùng trồng, phòng thử nghiệm, thống nhất quy trình thông quan; chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị phục vụ kiểm tra trong mùa vụ; nâng cao năng lực phòng thử nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản lạnh, chế biến sâu để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh; giảm tỷ lệ xuất khẩu quả tươi, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến. Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ xuất khẩu; bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thông quan và xuất khẩu.
TTR
Ý kiến bạn đọc