Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 16/09/2022 20:00670
Sáng ngày 15/9, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo giai đoạn 2016 - 2020 đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.357/20.673 người, đạt tỷ lệ 98,47% so với kế hoạch. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 7.450/20.357 người, đạt tỷ lệ 85,72%.
Giai đoạn 2016-2020 với tổng nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 46.083 triệu đồng, trong đó Ngân sách Trung ương: 32.972 triệu đồng, ngân sách địa phương: 15.959 triệu đồng.
Thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhận thức của người lao động được nâng lên, xem học nghề là một nhu cầu cần thiết để lao động, sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn những hạn chế như: Công tác triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn chậm nên nhu cầu học nghề của người lao động thường xuyên thay đổi; chưa quan tâm đúng mức đến công tác dạy nghề nông thôn, chưa có phương pháp tổ chức thực hiện, do đó chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội vào chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn; việc phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí dạy nghề còn chậm; tỷ lệ lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi tham gia học nghề chiếm tỷ lệ thấp; các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở đặt hàng với các địa phương, không nắm được các chính sách cho học viên và giảng viên, không nắm được số học viên sau khi được đào tạo có tìm được việc làm.
Tại buổi làm việc thành viên đoàn giám sát đã trao đổi thêm một số vấn đề về: việc kiểm tra, giám sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đối với tính bền vững của tỷ lệ 85,72% người có việc sau khi tham gia học nghề; giải pháp trong thời gian tới của ngành đối với việc nguồn vốn vay cho học viên khi kết thúc khóa học; nguyên nhân việc trình Kế hoạch đào tạo nghề năm 2022 chậm; cần sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020; quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên đào tạo nghề cho giai đoạn sau.
Kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Xuân Hương ghi nhận những khó khăn, vướng mắt của đơn vị cũng như những giải trình, kiến nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đồng thời, đề nghị Sở trong thời gian tới cần rà soát lại danh mục đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; định hướng xây dựng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp sự phát triển công nghệ thông tin trong tình hình hiện nay; kết nối thị trường lao động nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; đánh giá nhìn nhận lại nguồn nhân lực đào tạo nghề lao động từ đó có định hướng phát triển đội ngũ giáo viên cho giai đoạn tiếp theo.
Võ Nhung