Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận Tổ cùng với các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre; Trong phiên thảo luận Tổ sáng ngày 05/5/2025 về nội dung: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; cơ bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất với định hướng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 02 nhóm nội dung:
Một là: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội,
Hai là: các quy định để thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp; có quy định chuyển tiếp để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại Tổ thảo luận
Bên cạnh đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến 08/120 điều nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.
Tham gia góp ý về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh có ý kiến băn khoăn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ hơn về căn cứ pháp lý vì sao đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội mà không phải là Luật hay đạo luật để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Các đại biểu thống nhất cao về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, theo đó cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; Ủy ban dự thảo có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để Quốc hội thảo luận cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; tổ chức nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 này.
KC
Ý kiến bạn đọc